ĐỔI ĐỜI, ĐỔI TƯ CÁCH.

0
650

Chu Tất Tiến

Tháng Tư, 1975 là giai đoạn mà người ta gọi là “đổi đời”, nghĩa là đổi từ cuộc đời này sang cuộc đời khác. Thể chế chính trị lộn ngược. Văn hóa, văn chương, văn học đảo điên. Người thành thú và ngược lại. Những kẻ vô học, vô hạnh, chuyên say máu giết người nhẩy lên làm lãnh tụ, kiểm soát sinh mạng của 25 triệu dân miền Nam. Ngược lại, người từng chỉ huy, lãnh đạo, xông pha lằn tên mũi đạn bảo vệ quốc gia, bỗng biến thành “ngụy”, thành tên “tù” cần “cải tạo”. Nhiều kẻ “mãi quốc cầu vinh” đột nhiên vênh vang dưới cái mũ “người giải phóng dân tộc.” Những kẻ mặc quần lãnh đen, xắn lên tận bẹn ra lệnh cho các thiếu nữ, thiếu phụ miền Nam phải xé hết áo dài mầu sắc, cắt bỏ tóc dài, vất guốc cao, và phải đi guốc mộc. Thanh niên, đàn ông phải bỏ áo ngoài quần, đi dép cao su Bình Trị Thiên. Mấy chị bán cá, mấy cô bán rau bỗng thành chủ tịch. Anh thợ hớt tóc, thường bét nhè rượu thành Bí Thư Phường. 

Văn hóa khởi sắc của chế độ Tự Do Nhân Bản bị dẹp bỏ. Sách nghiên cứu, sách khoa học, sách văn chương biến thành “sản phẩm đồi trụy”, phải đốt hết. Kẻ nào dám dự trữ, dấu diếm sách vở có tính chất không phù hợp với tư tưởng của những tay du kích rừng rú, sẽ bị trừng phạt. Một chủ tiệm sách, khi buộc phải đốt sách đã nổi điên, bắn chết mấy tên du kích rồi tự tử, sau khi châm lửa đốt cháy kho tàng sách văn chương đã lưu giữ bao thế hệ. Nhiều tên mặt người mà dạ thú, tha hồ sinh sát nhân dân, biến Hòn Ngọc Viễn Đông rực rỡ mầu sắc thành một nhà tù khổng lồ, đen đúa. Hè phố sạch đẹp bị đục, cào nát lên để trồng rau, nuôi lợn. Trường học biến thành nhà tù. Nhà thờ biến thành trại Công An. Vắn tắt, xã hội Tự Do, Dân Chủ Viêt Nam Cộng Hòa năm 1975 đã biến thành một xã hội điên loạn, chó nhấy bàn độc, gà vọc niêu tôm.

Trong khung cảnh hoang tàn ấy, những người từng là cựu quân nhân, viên chức hành chánh phải trình diện đi tù khổ sai với thông báo láo khoét, lừa bịp được Nhà Nước công khai phổ biến trang trọng: Cấp Thiếu Tá, Giám Đốc trở lên đi học một tháng. Cấp Úy đi mười ngày. Cá nhân tôi không ngoại lệ. Tôi cũng là một cấp Úy bị lừa bịp đi tù trong các trại khổ sai gần 6 năm. Năm 1973, tôi đang giữ chức vụ Trung Úy Trưởng Ban Chiến Tranh Chính Trị kiêm Trưởng Ban An Ninh, kiêm Quản Lý Hội Quán Sinh Viên Sĩ Quan trường Bộ Binh Thủ Đức, đã làm đơn xin về Trường Quốc Gia Hành Chánh. Điều khó khăn cho tôi là vừa lúc tôi nhận được thông báo cho phép biệt phái về dân sự thì tôi cũng nhận được Lệnh Thăng Thưởng từ Bộ Quốc Phòng, thăng cấp tôi lên Đại Úy. Bộ Tổng Tham Mưu đã dựa vào nhiệm vụ của môt Trưởng Ban Chính Tranh Chính Trị Quân Trường tương đương Thiếu Tá, đã thăng cấp đặc biệt cho tôi lên Đại Úy để dễ chỉ huy. Tuy nhiên, nhiệm vụ của một Trưởng Ban CTCT và Trưởng Ban An Ninh không đơn giản, phải làm việc dưới sự căng thẳng vô cùng, nhất là vì số tiền nhiều triệu đồng mà hàng năm Tổng Cục CTCT vẫn yểm trợ trực tiếp cho tôi để tổ chức sinh hoạt cho SVSQ, rất khó mà tránh khỏi dị nghị. Ngoài ra, với tư cách Trưởng Ban An Ninh, tôi phải theo dõi các vụ nổ súng, pháo kích vào Sinh Viên, các vụ tự tử, xung đột cùng với việc theo dõi tham nhũng, đấu tranh với các nhà thầu gian lận trong việc cung cấp thực phẩm, trang bị cho Sinh Viên, rất nhức óc. Nhưng căng thẳng nhất là việc chỉ huy nhân viên gồm 1 nữ dân sự đánh máy, hai Hạ sĩ quan, 1 Nữ Quân Nhân và gay cấn nhất là phải điều động 4 vị Đại Úy đều là niên trưởng của tôi, nên cho dù sau khi nhận lệnh thăng cấp lên Đại Úy trước nhiều bạn đồng khóa 25, tôi vẫn tiếp tục làm đơn xin về Trường Quốc Gia Hành Chánh. 

Tháng 4, 1975. Tôi khăn gói đi tù. Vào đến trại tù là phải làm ngay lý lịch trích ngang, phải khai rõ cấp bậc, chức vụ, từ năm nào đến năm nào, bao nhiêu huy chương, bao nhiêu công trận, bố mẹ ba đời phải khai hết. Cai tù dặn phải “thành thật khai báo, ai khai dối sẽ bị xử lý” (Trong một buổi lên lớp, tên cai tù xỉ vả môt anh tù: “Anh này láo! Khai bố chết từ năm 1940. Từ năm 1940 đến 1954: vẫn chết. Từ 1954 đến 1975: tiếp tục chết). Trong khi các bạn tôi đều thành thật khai báo, vì ngại rằng “hồ sơ phiếu IBM vẫn còn nguyên, khai dối là sẽ lòi ra, và sẽ bị bắn liền”, tôi để ý theo dõi lời nói, việc làm của mấy tên bộ đội cai tù thấy chúng “ngu tàn canh gió lạnh, không thể biết gì về IBM”, nên tôi tỉnh bơ khai: “Trung Úy giải ngũ, hiện đang đi học. Bố tôi là thầy đồ. Mẹ tôi bán bánh. Ông bà nội tôi chết đói năm 1945.” Tất cả những chi tiết này, tôi viết vào một cuốn sổ nhỏ xíu, cứ mỗi đầu tháng, phải làm lý lịch trích ngang, tôi lại lôi ra chép nguyên si, không thay đổi. Tôi không dám chia sẻ kinh nghiệm với ai cả, vì một anh bạn học cùng Quốc Gia Hành Chánh với tôi, Nguyễn Văn Ức, nằm cạnh tôi, một hôm chìa cho tôi coi tờ giấy đóng dấu đỏ lòm của Cao Đăng Chiếm, xác nhận: “Đồng Chí Nguyễn Văn Ức là Giao Liên Cục R từ năm.. đến năm… Yêu cầu các đồng chí tiếp tay giúp đỡ cho đồng chí Nguyễn Văn Ức!” Đọc tờ giấy này mà tôi run. Bỏ mẹ! Mình chơi với Việt cộng nằm vùng hoài mà không biết! 

Vì sự khai dối này mà tôi không phải ra Bắc! Giả dụ nếu tôi thành thật khai báo: “Tốt nghiệp Thiếu Úy Bộ Binh Hoa Kỳ tại Fort Benning  năm 1968. Trước 1975: Đại Úy Trưởng Ban Chiến Tranh Chính Trị, kiêm Trưởng Ban An Ninh, biệt phái về Trường Quốc Gia Hành Chánh năm 1973, Bố Mẹ là địa chủ, bố bị đấu tố, uất quá tự tử chết. Hai anh ruột đều là Sĩ Quan…” thì nhất định đời tàn trong ngõ hẹp. Vì theo lý luận của Cộng Sản, là Thiếu Úy Bộ Binh Hoa Kỳ tức là CIA, làm CTCT là nói xấu Cách Mạng, đầu độc nhân dân; thêm chữ “biệt phái” tức là đi làm gián điệp cho Mỹ Ngụy! Vừa Ngụy Quân, vừa Ngụy Quyền, vừa Tình Báo An Ninh, Gián điệp nữa, chắc phải xử bắn! 

Lúc khai dối như thế, tôi chấp nhận: Một chết, hai sống! Nhưng sống nhiều hơn chết, vì tôi luôn tin rằng, tụi cai tù này ngu đần, dốt nát, làm sao mà điều tra ra được, trừ khi nào mà tháng này, mình khai thế này, tháng sau mình khai thế khác là chết chắc. Nhiều bạn chỉ vì khai trước sau không như một nên rũ trong tù. Một anh Hạ sĩ hải quân tên Lành (chúng tôi đùa là Bôn Lành) đáng lẽ chỉ đi học 3 ngày, lại ở tù nhiều năm vì khai trước sau không giống nhau. Khi tôi về, anh ta vẫn còn trong trại. “Cách Mạng” thường nói: “Thà giết lầm 100 người còn hơn là bỏ sót 1 tên địch”.

Trở lại với vấn đề Đổi Đời. Nhiều người bị khốn vì đổi đời mà không chịu đổi cách sống. Trong trại tù nơi tôi bị giam, có hai vị Đại Úy cùng làm trong phòng Trắc Nghiệm Tâm Lý, tức là phòng dùng phương pháp tâm lý học để tìm ra khả năng của từng người mà chuyển đến các đơn vị hoặc nhiệm vụ thích hợp. Một vị khôn ngoan, khai trong lý lịch là “chuyên viên chọn ngành cho quân nhân” nên thoát khỏi ra Bắc. Trong khi đó, vị kia vẫn giữ lời khai là “Sĩ Quan Trắc Nghiệm Tâm Lý” bị lôi lên, chửi bới: “Đó, quân Ngụy của các anh ác độc ghê gớm. Như anh này, mỗi ngày dùng “ma trắc” đánh đập, hành hạ tâm lý tù binh…” Rồi vị đó bị tống ra Bắc không biết sống chết ra sao. Nhiều vị khai chiến công và huy chương đã bị lôi lên xỉ vả, và bị đầy đi các nơi đèo heo hút gió, chó ăn đá, gà ăn muối. 

Đổi đời cũng làm cho môt số các quân nhân đổi tư cách. Những ai có bản tính yếu đuối, cả tin, nên tin vào lời dụ dỗ ngon ngọt của cai tù “nếu thành khẩn khai báo những ai có tư tưởng chống đối cách mạng, thì sẽ được về sớm”, vì thế mà môt số trở thành “ăng ten”, báo cáo bạn bè. Đa số những trường hợp “ăng ten” thì chỉ hại bạn mất phần ăn, chịu phạt ngoài nắng, nhưng cũng có trường hợp trở thành “ác quỷ” hại bạn. Một tên ăng tên ở trại tù ngoài Bắc, đã đá chết một bạn đồng tù, đánh đập Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, khi thấy Linh Mục bất tỉnh, tên ác quỷ này tưởng rằng Linh Mục chết, nên nắm chân Ngài lôi vất vào bệ cầu tiêu. Trại tù Kà Tum và Suối Máu, nơi tôi bị giam, có tay thiếu úy hung hãn, ra mặt ăng ten. Trong một buổi kiểm điểm, tay này trịnh trọng mở đầu: “Kính thưa cán bộ, “chúng tôi” là những kẻ lầm đường lạc lối, phản quốc, phản cách mạng, được cách mạng khoan hồng…” Vừa nghe tới đây, tôi nổi giận, chỉ tay vào mặt hắn, nói từng tiếng: “Anh A. Anh phản quốc phản cách mạng thì anh nên nói “tôi” phản quốc, phản cách mạng. Không được nói “chúng tôi”. Chúng tôi phục vụ Tổ quốc, đi lính để bảo vệ đất nước.  Chúng tôi không có ai phản quốc! Biết chưa?” Tức thì, tên A. kia đứng phắt lên khỏi chiếu, chỉ tay vào mặt tôi, gầm lên: “Báo cáo cán bộ: thằng Tiến này là thằng phản động, chuyên viết nhạc chống đối cách mạng, lúc cán bộ đến mượn đàn, nó chửi Cán bộ “đ. m. công an, con c… tao, đéo cho công an mượn đàn”. Tên ăng ten này tưởng báo cáo đó không được như ý, tưởng rằng làm ầm ĩ như thế thì tôi sẽ bị lôi ra, bắn bỏ, nhưng ngược lại, tên công an quản giáo bị tôi chửi, “quê một cục” nên lại đuổi tên A. ra ngoài, rồi giải tán. Tôi được Trời cứu, không xây xát gì. Một tên thậm thụt với cai tù, bị anh em dầm xuống hầm phân gần chết. Cấp tá cũng có ăng ten. Có ông mỗi ngày viết báo cáo ném ra ngoài hàng rào. Số ông ta xui là vì muốn lập công hơn nữa, nên ngồi dịch thơ Bác Hồ sang tiếng Anh, bị tên du kích lôi ra, chửi: “Vào đây mà còn làm gián điệp hả? viết báo cáo cho Mỹ hả?” Ông ta rối rít trình bầy là muốn dịch thơ của Bác cho thế hệ sau thôi. Tên cai tù nghe ông ta năn nỉ, quát lớn: “Thôi! Dẹp! Viết cái đéo gì, không ai hiểu!”. Kinh khủng nhất là một tên mất tình người, là cháu của một kẻ đảo chính hụt năm 1960. Tên này đã báo cáo cai tù về hai người bạn dự định trốn tù, để cho Việt Cộng bắn chết luôn hai người bạn kia. 

Dĩ nhiên, đó chỉ là vài trường hợp lẻ tẻ trong số hơn trăm ngàn Sĩ Quan, viên chức chế độ cũ, không vì Đổi đời mà đổi tư cách. Có người hùng đã kiên gan đứng dậy chỉ vào mặt bọn quản giáo mà chửi Bác Hồ. Nhiều người đã bị bắn chết khơi khơi, hàng trăm người bị nhốt vào trong thùng sắt để hâm dưới nắng. Có người bị giam dưới hố đào. Nhiều người trốn trại bị bắn chết. Rất nhiều người hùng khác bị đánh đến chết, bị bỏ đói, bị cùm đến thối rữa hai chân… Theo số liệu không chính thức, có đến hơn 6,000 người tù bị chết trong những trại lao động khổ sai mệnh danh lừa bịp là trại cải tạo. 

Trong lịch sử thế giới có hàng triệu cuộc đổi đời. Lịch sử Việt Nam mới ghi có một lần đổi đời, nên chắc chắn sẽ còn có cuộc đổi đời nữa, những kẻ cướp của giết người sẽ bị đào thải. Văn minh, Văn Hóa, Văn Chương Dân Việt sẽ ngời sáng như Hòn Ngọc Viễn Đông tỏa sáng khắp năm châu.