Nam Lộc
Thuyền ở đây là 2 gia đình thuyền nhân tị nạn, và bến là 2 quốc gia tự do, đang dang tay đón nhận họ. Bất chấp mọi sự đánh phá, vu cáo và bịa đặt của bọn Cộng Sản Việt Nam cùng lũ tay sai, chính phủ Canada và Hoa Kỳ vẫn đưa tay đón nhận các hồ sơ tị nạn do tổ chức VOICE đệ trình và VOICE Canada bảo trợ.
Từ tờ báo Nhân Dân của đảng, cho đến cơ quan truyền thông VTV của nhà nước CSVN, chúng đã liên tục tuyên truyền xảo trá, và gọi nỗ lực định cư của VOICE là “trục lợi của những kẻ buôn người?”, như bài báo đính kèm. Chúng cũng tuyên truyền rằng, chương trình đào tạo Xã Hội Dân Sự là để “chống phá nhà nước….”!
Công an ở Việt Nam đã lấy lý do đó mở rộng những cuộc lùng bắt các nhà hoạt động cho tự do dân chủ, nhân quyền trong đó có rất nhiều thành viên Xã Hội Dân Sự đã được VOICE đào tạo, khiến cho chương trình này bị ảnh hưởng, vì hầu như rất ít người từ trong nước dám tham gia như trước đây. CSVN đã phần nào thành công trong chiến dịch khủng bố nói trên của họ. Tuy nhiên chúng đã thất bại hoàn toàn trong việc phá hoại nỗ lực định cư đồng bào tỵ nạn của chúng ta.
Vào ngày 25 tháng Sáu, 2024 vừa qua, anh Huỳnh Văn Duyên, một thuyền nhân tỵ nạn của trại Sikiew đã vừa đặt chân đến thành phố Escondido, California sau 35 năm, 2 tháng nổi trôi ở khắp mọi nơi. Anh Duyên đã dùng thuyền vượt biển đến Thái Lan vào tháng Tư, 1989, nhưng chỉ hơn 4 năm sau, vào tháng 9, 1994 anh đã bị cưỡng bức hồi hương. Mãi cho đến tháng Tư, 2013 anh mới vượt biên trở lại Thái Lan và được Cao Ủy Tỵ Nạn cấp quy chế. Do sự vận động và bảo trợ của các thân hữu ở Hoa Kỳ, anh Duyên đã được chính phủ Mỹ phỏng vấn và chấp thuận hồ sơ định cư qua cơ quan thiện nguyện USCC.
Anh Huỳnh Văn Duyên vừa đặt chân đến bến tự do
Đây có thể xem là một trong số những cựu thuyền nhân tỵ nạn tại Thái Lan đầu tiên được chính phủ Hoa Kỳ nhận cho định cư sau gần 20 năm, kể từ 2005, thời điểm mà hơn 2000 thuyền nhân VN tại Phi Luật Tân được nhập cảnh Hoa Kỳ theo diện tỵ nạn. Sự kiện này đã làm cho mọi người cảm thấy phấn khởi và hy vọng nhiều đồng bào tỵ nạn tại Thái Lan đang được đồng hương bảo trợ qua diện Welcome Corps sẽ có cơ hội đặt chân đến bến bờ tự do vào một ngày không xa.
Trong lúc đó thì vào ngày 11 tháng 7, 2024, gia đình của một cựu thuyền nhân khác, cũng từng sống ở trại Sikiew là anh Đào Bá Lê, gồm 4 người cũng đã đặt chân đến thành phố Toronto, Canada, qua sự bảo trợ của tổ chức VOICE Canada cùng quý vị ân nhân đã ký giấy theo diện “Bảo Lãnh Tư Nhân” (Private Sponsorship).
Theo lời kể của anh Đào Bá Lê thì cuộc hành trình tìm tự do của gia đình anh chỉ thua anh Huỳnh Văn Duyên khoảng 8 tháng. Anh Lê vượt biển đến Thái Lan ngày 24 tháng Giêng, 1990, tức là đúng 34 năm 6 tháng mới đặt chân được đến bến tự do. Sau khi bị cưỡng bức về VN vào tháng 9, năm 1996, anh Lê đã vất vưởng sống khắp các vùng kinh tế mới, và bị trù dập bởi lý do là đã không thuộc thành phần tự nguyện hồi hương. Lòng căm thù Cộng Sản càng ngày càng dâng cao khiến anh đã âm thầm tham gia vào các hoạt động chính trị, đấu tranh cho tự do, dân chủ ở quê nhà. Từ các nhóm Bạch Đằng Giang cho đến tổ chức của Hòa Thượng Thích Không Tánh, bác sĩ Phan Minh Hiển (ở Pháp) v..v…
Từ trong nước, anh Lê cũng không ngần ngại, trả lời các cuộc phỏng vấn của nhiều cơ quan truyền thông tại hải ngoại, và cũng vì lý do đó nên anh đã bị cơ quan an ninh theo dõi và liên tục điều tra. Tuy nhiên điều đó cũng không làm anh sợ hãi, bằng cớ là vào năm 2015 anh đã đứng lên thành lập một nhóm xã hội dân sự, lấy tên là “Hội Thuyền Nhân” để tiếp tục hoạt động. Cùng lúc đó tham gia vào nhóm “Giải thưởng Trần Văn Bá” do ông Nguyễn Ngọc Bách, chủ tịch hội sinh viên VN tại Pháp khởi xướng, đồng thời có mặt trong các cuộc biểu tình của Dân Oan, cũng như phản đối công ty Formosa tại VN. Tất cả những hoạt động kể trên đã khiến anh Đào Bá Lê được Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ cấp quy chế chỉ trong vòng vài tháng sau khi đặt chân đến Thái Lan lánh nạn vào năm 2017, và sau đó được Bộ Di Trú Canada cứu xét chấp thuận cấp chiếu khán nhập cảnh theo diện tỵ nạn.
Gia đình anh Lê đã được VOICE Canada và thân hữu là những thuyền nhân qua trước tiếp đón rất nồng nhiệt. Nơi ăn, chốn ở đã được chuẩn bị sẵn sàng, các thiện nguyện viên mỗi người một tay lo lắng giường chiếu, bàn ghế, tủ lạnh, bếp núc và cả thức ăn đầy đủ cho gia đình anh Lê. Như thường lệ, những người đi trước luôn dang tay giúp đỡ những gia đình đến sau. Chúc hai anh Duyên, Lê gặp nhiều may mắn và thành công, sớm hội nhập trong cuộc sống mới để trở thành những công dân hữu dụng trên quê hương thứ hai.
Nam Lộc
July 16, 2024
@ Tài liệu đính kèm: