Biden kêu gọi cải tổ Tối cao Pháp viện, ra tu chính án cấm miễn tố tổng thống

0
695

(CaliToday) – Tổng thống Joe Biden vào thứ Hai hậu thuẫn những thay đổi rộng lớn tại Tối cao Pháp viện, kêu gọi hạn chế nhiệm kỳ của các Thẩm phán 18 năm, và thực thi quy định đạo đức. 

Ông Biden cũng thúc đẩy đưa ra tu chính án nghiêm cấm miễn tố tuyệt đối cho các vị tổng thống – đưa ra lời khiển trách Tối cao Pháp viện, sau khi Toà gần đây phán quyết cựu Tổng thống Donald Trump được miễn tố những hành động chính thức trong nhiệm kỳ. 

Vốn từ lâu phản đối cải tổ Tối cao Pháp viện, Biden với thông báo vào thứ Hai đánh dấu thay đổi lớn về trong quan điểm của ông đối với một trong ba ngành của chính phủ Hoa Kỳ. 

Kể từ khi Biden nhậm chức, Tối cao Pháp viện trong 3 năm rưỡi qua đã chuyển mạnh sang cánh hữu với những quyết định đảo ngược Roe v. Wade, chấm dứt hành động nâng đỡ sắc dân thiểu số trong tuyển sinh đại học, làm suy yếu thẩm quyền của các cơ quan liên bang bằng đảo ngược phán quyết kéo dài 40 năm, và bãi bỏ chương trình xóa nợ cho sinh viên của Biden.

“Trong vai trò Thượng nghị sĩ, Phó Tổng thống, và Tổng thống, tôi giám sát nhiều đề cử vào TỐi cao Pháp viện hơn bất cứ ai còn sống đến hôm nay,” Biden viết trong bài xã luận đăng trên tờ Washington Post vào sáng thứ Hai. “Tôi rất tôn trọng các thể chế và phân chia quyền lực của chúng ta. Những gì đang xảy ra hiện nay rất bất bình thường, và làm suy yếu niềm tin của công chúng vào những quyết định của Toà, kể cả những quyết định ảnh hưởng đến tự do cá nhân. Chúng ta bây  giờ sẵn sàng đấu tranh.” 

Trước cuộc khủng hoảng niềm tin vào các thể chế Hoa Kỳ, Tổng thống Biden kêu gọi thực hiện 3 cải tổ mạnh mẽ để khôi phục niềm tin và trách nhiệm: 

  1. Không miễn tố hình sự đối với những vi phạm của một cựu Tổng thống khi còn trong nhiệm kỳ: Tổng thống Biden chia sẻ niềm tin của các nhà lập quốc rằng, quyền lực của một tổng thống không tuyệt đối mà bị hạn chế, và cuối cùng phải thuộc về người dân. Tổng thống kêu gọi Tu chính án, trong đó nói rõ, không có tổng thống nào đứng trên luật pháp, hoặc được miễn tố khỏi những vi phạm hình sự khi còn trong nhiệm kỳ. Tu Chính án Không ai Đứng trên Luật pháp sẽ nêu rõ, Hiến pháp không trao cho bất cứ ai từng giữ chức tổng thống được miễn tố đối với việc truy tố, xét xử, kết tội, hoặc tuyên án hình sự liên bang.  
  2. Hạn chế nhiệm kỳ của các Thẩm phán Tối cao Pháp viện: Quốc hội phê chuẩn giới hạn nhiệm kỳ tổng thống cách đây hơn 75 năm, và Tổng thống Biden tin, Quốc hội cũng nên làm như vậy đối với Tối cao Pháp viện. Hoa Kỳ là nền dân chủ hiến pháp lớn duy nhất trao cho các Thẩm phán Tối cao Pháp viện ghế trọn đời. Giới hạn nhiệm kỳ sẽ giúp bảo đảm những thay đổi đối với các thành viên của Toà Tối cao theo một số quy định; giúp thời gian đề cử Thẩm phán trở nên dễ đoán và ít tùy ý hơn; và giảm cơ hội bất cứ Tổng thống nào áp đặt ảnh hưởng không đúng mực cho các thế hệ sau. 

Tổng thống Biden ủng hộ hệ thống trong đó tổng thống 2 năm 1 lần sẽ bổ nhiệm một Thẩm phán phục vụ tích cực 18 năm tại Tối cao Pháp viện. 

  1. Quy tắc Ứng xử Ràng buộc đối với Tối cao Pháp viện: Tổng thống Biden tin rằng, Quốc hội nên thông qua những quy định đạo đức và chuẩn mực ứng xử ràng buộc và thực thi được, trong đó yêu cầu các Thẩm phán công khai quà tặng, hạn chế các hoạt động chính trị công khai, rút lui khỏi những vụ mà bản thân họ hay người phối ngẫu có xung đột quyền lợi tài chánh hay những quyền lợi khác. Thẩm phán Tối cao Pháp viện không nên được miễn những chuẩn mực ứng xử được thực thi đối với tất cả mọi thẩm phán liên bang khác. 

Ông Biden vào chiều thứ Hai có bài phát  biểu tại Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Lyndon B. Johnson ở Austin, Texas. Đây là lần đầu tiên Tổng thống xuất hiện trước công chúng kể từ khi tuyên bố quyết định kết thúc chiến dịch tranh cử tổng thống vào tuần trước. Bài phát biểu của ông nhân lễ kỷ niệm 60 năm Đạo luật Dân quyền, và đề nghị cải tổ Tối cao Pháp viện, một nỗ lực đòi hỏi sự chấp thuận của Quốc hội và có rất ít hy vọng đạt được sự ủng hộ tại Hạ viện do Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện chia rẽ. Thượng viện sẽ cần 60 phiếu mới thông qua những thay đổi này. Việc sửa đổi hiến pháp chỉ được chấp thuận sau khi có 2/3 số phiếu ủng hộ ở lưỡng viện, hoặc tại một hội nghị sửa đổi hiến pháp do Quốc hội tổ chức. Ở mức độ đòi hỏi cao hơn,  sửa đổi chỉ được thông qua để trở thành tu chính án khi có được sự chấp thuận của lập pháp tiểu bang tại  ¾ tổng thống các tiểu bang trên toàn nước Mỹ, hoặc chấp thuận của các hội nghị sửa đổi hiến pháp tổ chức tại ba phần tư trên tổng số các tiểu bang.

Chủ  tịch Hạ viện Mike Johnson tuyên bố, đề nghị này sẽ “chết yểu ngay khi đến” Hạ viện. 

Phó Tổng thống Kamala Harris ca ngợi những nỗ lực cải tổ Tối cao Pháp viện,  và cho biết bà là một đối tác trong nỗ lực này. “Những cải tổ phổ biến này sẽ giúp khôi phục niềm tin vào Toà, củng cố nền dân chủ của chúng ta, và bảo đảm không ai đứng trên luật pháp,”  ứng cử viên tổng thống Dân chủ ghi trong tuyên bố.

Hương Giang