Di Sản Đích Thực Của Vụ Watergate

0
974

Cách nay 50 năm, hồi tháng Tám năm 1974, khi ông Richard Nixon buộc lòng phải  từ chức, ông trở thanh vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên, và duy nhất (tính cho đến ngày hôm nay) bị áp lực phải rời khỏi chức vụ cao nhất trong nước để tránh không bị truất phế một cách nhục nhã. Việc ông phải ra đi là kết quả của hành động tập thể, đoàn kết của cơ cấu chính trị phát sinh từ vụ nghe lén ở cao ốc Watergate. Người kế nhiệm ông Nixon là ông Gerald Ford, khẳng định rằng quả thực chế độ dân chủ Mỹ đã được minh chứng là hữu hiệu, có kết quả tốt. Tổng thống Gerald Ford sau này tuyên bố: “Hiến Pháp của chúng ta thực sự đem lại kết quả tốt.”. 

Thời đầu thập niên 1970, hầu như giới lãnh đạo trong cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ cùng có chung một lập trường là muốn bảo tồn, gìn giữ khuôn mẫu chung. Nửa thế kỷ sau, bài học rút ra từ vụ Watergate xem ra khác trước. Thay vì phải hạn chế quyền hành của ngành Hành Pháp, việc ông Nixon bị áp lực phải từ chức đánh dấu sự khởi đầu của những nỗ lực lâu dài , và liên tục, nhằm củng cố, và gia tăng quyền hạn của chức vụ Tổng thống. Và nó đạt đến đến giai đoạn cuối cùng vào ngày 1 tháng Bảy vừa qua: Tối cao Pháp Viện hoa Kỳ đưa ra phán quyết về quyền đặc miễn của tổng thống. Ngày nay, người Mỹ được đảm bảo sẽ được sống không phải với hậu quả, di sản của vụ Watergate, mà phải sống trong cái bóng tối vụ án này. Thứ bóng tối đó sẽ còn kéo dài, với rất nhiều bất ổn. 

Sau khi ông Nixon từ chức, Quốc Hội Mỹ cải cách luật về hệ thống tài trợ tranh cử, và Quốc Hội Mỹ cũng thông qua đạo luật Ethics in Government Act- hay Luật Về Đạo Đức trong việc điều hành Chính Phủ- Luật này lập ra một chức vụ mới đó là “Luật Sư Cố vấn độc lập chuyên phụ trách điều tra những vụ làm ăn bê bối, xấu xa của Ngành Hành Pháp”. – A mechanism for independent counsel investigations of Executive Branch scandals– Và rồi sau đó, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ còn đưa ra phán quyết trong vụ án Hoa Kỳ kiện ông Nixon, theo đó Tổng thống phải tuân theo luật triệu dẫn ra tòa- subpoenas. Và cuối cùng, đạo luật The Presidential Records Act  năm 1978 ghi rõ rằng tất cả những giấy tờ, hồ sơ của Tổng thống và của Phó Tổng thống thuộc về công chúng. 

Vụ Watergate khai sinh ra một sự đồng thuận rộng lớn về thẩm quyền quyền cai trị của “một loại thẩm quyền chuyên độc của tổng thống chế.”.- imperial presidency. Quốc Hội lập ra một ủy ban tình báo nhằm giám sát mọi hồ sơ, tài liệu mật. Quốc hội cũng đặt ra một lề thói tôn trọng giới báo chí một cách hết sức đặc biệt, nhờ đó giới báo chí có thể vạch trần những vụ xì căng đan, tai tiếng của chính phủ. Hồi năm 1974, lòng tin của dân Mỹ đối với truyền thông lên rất cao, lên tới 72%. 

Cả một thế hệ gồm những người có lý tưởng muốn canh tân, cải cách được khuyến khích tiến ra tranh cử làm đại diện cho dân chúng. Trong cuộc bầu cử giữa kỳ hồi năm 1974, phía đảng Dân Chủ thắng lớn, chiếm đa số tại quốc hội. Những dân biểu trẻ được gọi là “Watergate Babies” – Những Kẻ Hậu Bối sau vụ tai tiếng Watergate- đã phá bỏ được cái hệ thống bình vôi cổ hủ ở Quốc Hội, và lôi ra ánh sáng tất cả những quyết định phát xuất từ những vụ thương lượng kín sau hậu trường. Thậm chí họ còn cho đem máy TV camera vào Hạ Viện để tường thuật trực tiếp các cuộc thảo luận, và bỏ phiếu. Trong cuộc tranh cử tổng thống đầu tiên sau Watergate, ứng cử viên Dân Chủ ông Jimmy Carter ra tranh cử với một khẩu hiệu đơn giản không ngờ. Ông chỉ nói rằng ông sẽ không bao giờ nói dối, hay nói láo với dân chúng Mỹ. Nguyên văn câu nói của ông như sau: “Cử tri mong đi tìm được một người có thể điều hành chính phủ một cách hoàn hảo, một người hiểu được những khó khăn, những vấn đề của chính phủ, và hứa sẽ chỉ nói thật với dân chúng Mỹ.”.

Hiện nay thì sao? Bối cảnh chính trị cũng không khác xưa là bao nhiêu. Nhưng chuyện gì đã xảy ra?

Vụ Watergate đã xóa bỏ hoàn toàn thành phần Cộng Hòa chân chính nguyên thủy như Nixon và Ford, để mở đường cho việc thôn tính đảng này bằng thành phần bảo thử ở vùng Sun Belt- những tiểu bang nông nghiệp vùng Trung Tây, trong lúc đó người trong đảng Cộng Hòa còn tập trung rất nhiều hoài nghi, bất tín nhiệm vào vai trò của chính phủ, cao điểm là giai đoạn phát sinh ra cuộc Cách Mạng Reagan – Reagan Revolution- . Bên phía đảng Dân chủ thì thành phần dân biểu trẻ “Watergate Babies” đa số sống ở vùng đô thị lại khởi xướng chiến dịch chuyển đổi Đảng Dân Chủ trở thành từ tiếng nói từ thành phần công nhân “cổ áo xanh” sang thành phần trí thức, học vấn cao, giàu có ở vùng đô thị. 

Những nguyên tắc đạo đức trở thành dụng cụ để đánh bại phe đối thủ. Ví dụ hồi năm 1988, ông dân biểu Cộng Hòa trẻ tuổi, đầy tham vọng tên là Newt Gingrich đã đệ đơn kiện ông Chủ tịch Hạ Viện lúc bấy giờ là ông Jim Wright, thuộc Đảng Dân Chủ, khiến cho ông này bị mất chức vào năm sau. Thời trước khi có vụ Watergate, chuyện truy tố một viên chức ở cấp liên bang hầu như không bao giờ nghe nói đến, hay chưa từng xảy ra. Nhưng hai thập niên sau, có hàng ngàn vụ cách chức viên chức chính phủ. Trong lúc đó, giới báo chí ngày càng trở nên xung khắc, đối nghịch nhau, họ chọn phe đảng để ủng hộ. Tính đến năm 2016, chỉ có khoảng 32% dân chúng Mỹ đặt lòng tin vào giới truyền thông. 

Quốc hội Hoa Kỳ trở thành định chế trong sạch hơn, như lại kém hữu hiệu, làm việc không có kết quả, chỉ lo cãi nhau, hay kèn cựa nhau. Ở tại Hạ Viện, thành phần dân biểu trẻ- Watergate Babies- làm đảo chính lật đổ những vị chủ tịch ủy ban từng giữ những chức vụ này từ lâu. Họ làm giảm uy quyền lãnh đạo của các vị chủ tịch ủy ban trong việc sắp xếp chương trình nghị sự. Ở Thượng Viện thì người ta giảm bớt giới hạn trong việc làm thủ tục “filibuster” tức là thủ tục cản trở, hay phá đám không cho thực hiện một dự luật. Thượng Viện cũng giành nhiều quyền hạn cho các thành viên trẻ.Hệ thống truyền hình cable TV giúp cho Quốc Hội dễ dàng liên lạc với truyền thông, báo chí. Trong cả hai đảng ở Quốc Hội, giới lãnh đạo mất đi quyền áp dụng kỷ luật đối với thành viên trong đảng. Ngày nay, các cấp lãnh đạo trong quốc hội như bà Marjorie Taylor Greene bỗng dưng nổi đình nổi đám vì có những hành động quái dị, và còn có thể làm áp lực với dân biểu đồng viện vì những vấn đề ngoại vi, trong lúc đó Quốc Hội trở thành một tổ chức, một cơ cấu chính quyền không làm được việc gì ra hồn. Với thái độ hành động của các thành viên trong quốc hội hành xử một cách độc lập, ngang ngược. Định chế này ngày nay không còn có thể đóng vai trò “check and balance” (Kiểm soát, và kiềm chế) ngành Hành pháp được nữa. Và từ nay với sự trợ giúp của thành phần Bảo Thủ chiếm đa số ở Tối cao Pháp Viện, ông Tổng thống tha hồ tác yêu tác quái, bởi vì ông ta đã được tòa tối cao cho phép quyền đặc miễn rộng lớn, không thể bị truy tố hình sự. Trước đây, ông Nixon chỉ xem quyền đặc miễn này là “quyền cố hữu” hay quyền “hiển nhiên” của Tổng thống, và ông ta đã bị đem ra diễu cợt, chỉ trích chê bai thậm tệ. Thế mà bây giờ thẩm quyền chuyên độc, hay quyền đặc miễn rất lớn của chức vụ tổng thống lại trở thành luật.

Với tình trạng đối đầu, chia rẽ cực kỳ trầm trọng giữa hai đảng, trong khi đó Quốc Hội với thứ quyền hành rỗng tuếch, và những quy luật về đạo đức quá yếu, vô hiệu, và mối đe dọa về thẩm quyền chuyên độc của chức vụ tổng thống, tình hình xem ra có vẻ giống như thời thập niên 1970’s. Nhưng thực tế cho thấy nó còn nguy hiểm, kéo dài lâu hơn thời đại  gian dối, nghe lén, lạm quyền của chức vụ tổng thống khi xảy ra vụ Watergate. Và nhất là có nhiều bằng chứng cho thấy nhận xét của ông Ford là sai lầm. Ông cho rằng Hiến Pháp Hoa Kỳ làm việc tốt, có thể giúp ngăn cản Tổng thống trở thành kẻ độc tài chuyên chế, và giới hạn được thẩm quyền chuyên độc của ngành Hành Pháp. 

Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME ngày 26/8/2024

Ghi chú: Tác giả bài viết này là Bruce J. Schulman giáo sư trường đại học Boston University. Ông là tác giả cuốn sách tựa đề: “The Seventies”