Đã đến lúc ngừng vòng vo: Trump phải bị luận tội và cách chức.
Kể từ ngày 20 tháng 1, nhiều người đã nói về một cuộc khủng hoảng hiến pháp, về sự coi thường pháp luật một cách trắng trợn của một tổng thống đang cố biến mình thành vua trên thực tế, dù không trên danh nghĩa. Nhưng nhìn chung, các chính trị gia Dân chủ được bầu chọn đã cố gắng tránh nói ra một từ đặc biệt. Họ rung chuông cảnh báo, nhưng lại không nói thẳng điều không thể tránh khỏi.
Đã đến lúc phải thẳng thắn: Donald Trump phải bị luận tội và cách chức.

Một số thành viên Quốc hội đã hiểu điều này và can đảm nói ra. Đó mới chỉ là bước khởi đầu – và áp lực từ công chúng là yếu tố không thể thiếu. Trên thực tế, nó hiệu quả hơn bạn tưởng trong việc phá tan sự im lặng.
Một nhóm tình nguyện viên tự tổ chức có tên “Chiến dịch Chống Vua” đang tích cực kêu gọi cử tri ở mọi khu vực bầu cử Hạ viện, chỉ đơn giản là gọi điện hỏi văn phòng Quốc hội. Ngoài Dân biểu Al Green (Dân chủ – Texas), người đã nhiều lần kêu gọi luận tội kể từ nhiệm kỳ đầu của Trump, nhóm này đã tìm thấy thêm bảy người sẵn sàng lên tiếng công khai:
- Suzanne Bonamici và Maxine Dexter (Oregon)
- Sam Liccardo và Maxine Waters (California)
- Ilhan Omar (Minnesota)
- Shri Thanedar (Michigan)
- Hank Johnson (Georgia)
Trong tuyên bố gửi nhóm này, Maxine Dexter nói thẳng:
“Những hành động tàn nhẫn, hỗn loạn và bất hợp pháp của Donald Trump đang đặt nền dân chủ vào tình trạng nguy hiểm. Tôi không thể đứng yên nhìn nền dân chủ bị xói mòn. Tôi ủng hộ luận tội vì không ai đứng trên pháp luật.”
Bonamici cũng khẳng định, bà ủng hộ vì Trump đang “vi phạm quyền hiến định của người dân và coi thường pháp quyền.”
Những lý do để tránh nói đến luận tội – đều không thuyết phục
Nhiều người vẫn đưa ra những lập luận quen thuộc phản đối việc nói đến luận tội. Nhưng những lập luận đó không đứng vững.
- Lý thuyết cho rằng việc luận tội sẽ phản tác dụng và khiến Trump được ủng hộ hơn không có cơ sở. Sau cuộc luận tội đầu tiên, Đảng Dân chủ vẫn thắng lợi và nắm được cả ba nhánh quyền lực. Sau lần thứ hai, họ vẫn vượt kỳ vọng, dù Tổng thống Dân chủ lúc đó không được lòng dân.
- Còn lý do “quá sớm” sau kỳ bầu cử năm ngoái chẳng khác gì trao quyền cho tổng thống phá hoại Hiến pháp miễn là ông ta làm ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Tỷ lệ ủng hộ Trump đang lao dốc, đặc biệt sau vụ thất bại thảm hại với chính sách thuế quan, đe dọa đẩy kinh tế Mỹ rơi tự do. Hàng triệu người đã xuống đường biểu tình trên khắp cả nước.
Nghĩ rằng sự ủng hộ dành cho Trump là bất biến hay cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ tự kết thúc là một sai lầm về tầm nhìn. Khi nước Mỹ trượt dài vào chế độ độc tài công khai và khủng hoảng kinh tế, chúng ta không thể có một lực lượng đối lập chỉ biết làm những gì họ sẽ làm nếu Tổng thống là Mitt Romney, như Chris Hayes (MSNBC) từng mỉa mai.
Chính phủ đang tự hủy hoại từ bên trong. Và sự thật đau lòng sẽ luôn hiện hữu:
Trump không thể bị kiềm chế, không thể bị thuyết phục, không thể bị “giữ lại” trong bốn năm nữa.
Cách duy nhất để khôi phục pháp quyền là loại bỏ kẻ vô pháp khỏi quyền lực.
Lời thề Hiến pháp không thể bị trì hoãn vì chính trị
Các thành viên Quốc hội không tuyên thệ bảo vệ Hiến pháp chỉ khi nó hợp lòng dư luận hoặc thăm dò. Việc phe Cộng hòa phản đối không thể là lý do để đứng yên.
Từ chối làm điều đúng vì nghĩ người khác không theo – chỉ là một cách tuân phục sớm.
Alexander Hamilton đã viết rằng:
Luận tội áp dụng cho “những hành vi có thể được gọi là chính trị, vì chúng gây tổn hại trực tiếp đến xã hội.”
Vì vậy, nó không nằm trong tay tòa án mà thuộc về các đại diện dân cử, những người phải chịu trách nhiệm trước cử tri – và trước lịch sử – nếu không sử dụng quyền này.
Một nghị sĩ có thể kích hoạt cuộc bỏ phiếu toàn Hạ viện
Theo Quy tắc IX của Hạ viện, một điều khoản luận tội là “vấn đề đặc quyền của Hạ viện” và phải được bỏ phiếu trong vòng hai ngày làm việc.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson có thể ra nghị quyết riêng để trì hoãn, nhưng việc đó cũng phải được toàn Hạ viện biểu quyết, và hiệu quả tương đương như một cuộc bỏ phiếu luận tội chính thức.
Tức là bất kỳ nghị sĩ nào cũng có thể buộc toàn bộ Hạ viện – thuộc cả hai đảng – phải công khai lập trường.
Hiện tại, khả năng thông qua? Chưa. Nhưng trong tương lai? Không phải là không thể.
Trì hoãn chỉ khiến do dự kéo dài, sự cam chịu lan rộng và Hiến pháp ngày càng bị xói mòn. Khi chỉ vài trăm người có đủ quyền lực và trách nhiệm theo luật, không hành động là chấp nhận đầu hàng.
Tội danh luận tội: Độc tài
Câu hỏi đặt ra: Luận tội Trump vì tội gì? Không phải vì thiếu lý do – mà vì có quá nhiều.
- Lạm quyền về ngân sách
- Đánh thuế trái phép
- Tạo lập cơ quan giả mạo
- Tấn công quyền tự do ngôn luận
- Đe dọa đối thủ
- Can thiệp vào hệ thống tư pháp
- Nhận hối lộ công khai
- Đe dọa xâm lược đồng minh
- Bắt cóc và giam giữ người trái phép tại các trại tra tấn ở nước ngoài
Nhưng tất cả có thể gói gọn trong một tội danh:
TỘI LỚN NHẤT CHỐNG HIẾN PHÁP – ĐỘC TÀI.
Độc tài là hành vi tước bỏ tính chính danh
Đây là trọng tâm của dự thảo điều khoản luận tội của phong trào “Chống Vua”.
Khái niệm này có nguồn gốc sâu xa, từ La Mã cổ đại, Cách mạng Hoa Kỳ, đến Đức sau Thế chiến II.
Một nguyên thủ quốc gia cố ý biến mình thành bạo chúa thì đã tự tay phá hủy quyền chính danh của mình.
Dự thảo trích Tuyên ngôn Độc lập, viết:
“Ông ấy đã chứng minh rằng tính cách của mình mang đủ mọi hành vi đặc trưng của một kẻ chuyên chế.”
Có thể nói, mô tả này đúng với Trump hơn cả vua George III.
Trump công khai khao khát một chế độ độc tài, độc đoán, thậm chí vương quyền kiểu Mỹ.
Ông không công nhận giới hạn quyền lực, không tuân luật, không tôn trọng quyền công dân.
Chúng ta chỉ có hai lựa chọn: Trump hoặc Hiến pháp
Sự thật xấu xí là vậy, nhưng chúng ta không thể trốn tránh bằng cách làm ngơ.
Mỗi nghị sĩ Quốc hội, cũng như toàn dân tộc, đang đối mặt với một lựa chọn sống còn:
TRUMP hoặc HIẾN PHÁP.
Chúng ta chỉ có thể chọn một trong hai – không thể cả hai.
Để cứu lấy Hiến pháp, chúng ta phải sẵn sàng sử dụng phương tiện thiết yếu mà chính Hiến pháp đã trao: Luận tội.
ND