Bệnh Dịch Từ Loài Chim

0
725

Tháng 12 năm 2021, vài tuần lễ sau khi biến chủng Omicron bùng phát, khiến cho xảy ra một đợt hoành hành mới của bệnh dịch COVID-19, những con chim của ông Jim Lester bị ngã bệnh. Ông Lester có một trang trại chuyên nuôi chim giống ở vùng Newfoundland, bên Canada, sau này ông tìm hiểu mới biết rằng thủ phạm làm cho những con chim của ông bị bệnh không phải là con vi rút coronavirus mà là loại vi rút mới ở vùng Bắc Mỹ. Đây là loại vi rút gây ra cúm gia cầm rất mạnh, lây nhiễm rất nhanh, có tên là H5N1. Hàng trăm con chim bị, ngã bệnh và chết. Bệnh cúm gia cầm còn làm cho một số loài chim muông khác bị lây nhiễm và chết như chim công, và cả con đà điểu. Ông Lester than thở: “Các loại chim muông này mỗi thứ đều có những đặc điểm riêng của nó. Thật là đau lòng, đáng tiếc.”. Sau đó, con vi rút lan truyền xuống phía nam, đi vào Hoa Kỳ, giết chết hàng chục triệu con chim khác, và có thể còn nhiều hơn nữa. Con vi rút cũng lây nhiễm sang nhiều loài động vật có vú khác, như con cá heo có đầu giống cổ chai, cá heo dolphin ở Florida, mấy con hải cẩu ở Peru, và cả con hải cẩu đầu voi ở tận vùng Nam Cực. Giờ đây, lần đầu tiên, con vi rút này lại lây lan sang loại thú lớn như con bò nuôi để lấy sữa, hay lấy thịt. Ít nhất có khoảng 34 đàn bò ở nhiều tiểu bang trên nước Mỹ đã bị lây nhiễm. Tháng trước cơ quan Food and Drug Administration – FDA- cho biết rằng nếu họ lấy ra năm loại sữa để thử nghiệm thế nào cũng có một loại bị nhiễm vi rút gia cầm. Họ lo ngại rằng sự lây nhiễm sẽ còn lan rộng thêm nữa. Một chuyên gia nhận định đây là “một tình huống không ai có thể ngờ được lại xảy ra.”.

Bệnh cúm – influenza- lúc gần đây là do mầm vi rút gia cầm gây ra. Mầm bệnh này có thể gây ra bệnh dịch một phần vì cấu trúc của loại mầm bệnh, nó rất dễ gây nhiễm cho các tế bào khác. Hiện tượng này từng xảy ra vào giữa thập niên 1990’s khi loại vi rút H5N1 từ một con ngỗng ở miền Nam Trung Hoa gây nhiễm cho khoảng 20% số gia cầm bán tại các chợ ở Hong Kong. Vụ này khiến chính quyền phải tiêu hủy hơn một triệu rưỡi con gà. Những thập niên sau đó, nhiều lần xảy ra trường hợp cúm gia cầm lây sang con người. Đa số là những nông gia làm việc ở trại chăn nuôi. Khi bị lây nhiễm, đường hô hấp – bệnh viêm phổi- của những nông gia này bị ảnh hưởng. Có nhiều trường hợp đưa đến tử vong. Trong những vụ lây nhiễm gần đây, tỷ lệ tử vong có khi lên đến hơn 50%. May thay, chỉ có hai người ở Hoa Kỳ bị lây nhiễm cúm gia cầm, và họ chỉ bị những triệu chứng nhẹ. Trong năm 2022, trên toàn thế giới chỉ có khoảng hơn hai chục người bị lây nhiễm cúm gia cầm. Theo sự quan sát của Trung Tâm Phòng Ngừa Bệnh Dịch Hoa Kỳ -CDC- rủi ro cho nền y tế công cộng  ở mức độ rất thấp. 

Sự lây lan của vi rút trong có trong sữa dùng hàng ngày tương đối cũng rất thấp, không đáng lo ngại. Test P.C.R là loại thử nghiệm thường dùng để xác nhận các loại chất dơ, chất thải có trong sữa. Nếu thử nghiệm này là dương tính, chưa chắc là các con vi rút vẫn còn sống, và có thể lây nhiễm được. Hầu như gần hết các sữa bán ra ở Hoa Kỳ đều được khử trùng bằng phương pháp Pasteur- tức là hâm nóng để tiêu diệt các mầm bệnh- , Phương pháp này khá hiệu nghiệm để ngăn ngừa các loại bệnh cúm – influenza- (Một số tiểu bang lúc gần đây đã cho bán hợp pháp các loại sữa tươi- raw- không khử trùng- viên chức phụ trách y tế công không đề nghị người tiêu thụ dùng loại sữa này). Muốn thử nghiệm để xem loại vi rút H5N1 có thể bị tiêu biệt bằng phương pháp Pasteur hay không đòi hỏi thủ tục khá phức tạp, chẳng hạn như phải chích trứng vào loại sữa mẫu để thử nghiệm. Cho đến nay, theo cơ quan FDA, không thấy có dấu hiệu của con vi rút còn sống ở trong sữa.

Từ những quan sát về hiện tượng lây nhiễm thì hình như vi rút H5N1 lần đầu tiên lây nhiễm từ con chim sang con bò hồi năm ngoái. Và nó tiếp tục  lây lan sang nhiều con bò khác trong nhiều tháng liên tiếp mà không được phát hiện. Nhiều con bò bị lây nhiễm lại không có những dấu hiệu bị ngã bệnh, và hiện tượng lây lan giữa các con bò với nhau hiện nay vẫn còn là điều bí mật. Ngoài ra, việc lây nhiễm cũng có thể do từ các dụng cụ vắt sữa bò không được tẩy trùng cẩn thận, nên đã bị nhiễm trùng. Cũng có thể lây nhiễm do đường hô hấp mà ra. Cho đến nay, những con heo không bị lây nhiễm. Đây là điều đáng mừng cho con heo và cho cả chúng ta. Con heo là con vật có thể bị lây nhiễm vi rút từ con chim và con người. Do đó, con heo có thể được xem là “con thuyền hỗn hợp các loại vi rút” chứa mầm lây nhiễm sang con người, và dễ gây ra bệnh dịch. 

Nếu chẳng may xảy ra bệnh dịch cúm- influenza- do vi rút gia cầm, chúng ta có thừa khả năng để chế ngự nó, không gặp khó khăn như trường hợp bệnh dịch COVID. Bệnh cúm đối với thế giới là loại bệnh dịch thường hay xảy ra hàng năm. Mầm bệnh và cách lây lan của vi rút cúm được nghiên cứu từ hàng chục năm qua. Hoa Kỳ là nước có số lượng dự trữ thuốc Tamiflu rất nhiều để chữa bệnh cúm gia cầm. Các viên chức phụ trách về y tế công cộng cũng cho biết rằng họ có thể dễ dàng linh động chuyển sang việc sản xuất thuốc chủng ngừa bệnh cúm, sửa đổi thuốc chủng ngừa đôi chút để đối phó với vi rút H5N1.

Nhưng khả năng đối phó với bệnh dịch cúm khác với cách thức chúng ta đối phó với bệnh dịch cúm. Nhớ lại hồi mấy tháng đầu xảy ra bệnh dịch COVID, cả nước không có chung một đường lối, chính sách đối phó với bệnh dịch. Trường hợp với bệnh cúm gia cầm do vi rút H5N1, vì không có chương trình tổng quát để xem xét các con thú trong trại chăn nuôi, nên chúng ta không thể biết có bao nhiêu con thú được xét nghiệm có dương tính. Phải mất một tháng Bộ Canh Nông mới phát hiện ra có cúm gia cầm lây sang con bò, để từ đó buộc các con bò vắt sữa phải được thử nghiệm. Sau cùng, cơ quan hữu trách mới xác nhận là chỉ có 30 con thú trong nhóm này được xét nghiệm. Tháng trước, khi chính phủ công bố kết quả nghiên cứu xét nghiệm, họ lại không cho biết đã lấy mẫu xét nghiệm ở đâu, khiến người ta không thể truy nguyên việc lây nhiễm của con vi rút bắt nguồn ở đâu. Trong khi đó, chúng ta lại không thực hiện việc xét nghiệm những nông dân làm việc trong các trại chăn nuôi để biết xem có bao nhiêu người bị lây nhiễm, và tầm mức lây lan rộng đến cỡ nào. Chúng ta chỉ biết  nông dân nào bị lây nhiễm khi họ được đưa đến phòng cấp cứu của bệnh viện. 

Dĩ nhiên hiện nay nhiều bệnh viện còn rất bận với bệnh dịch COVID. Giới lãnh đạo bệnh viện nói rằng họ không đủ nhân sự, tài nguyên, và tinh thần để đối phó thêm mới một cuộc khủng hoảng bệnh dịch mới. Dù sao đi nữa, mối đe dọa về bệnh dịch COVID vẫn còn treo lơ lửng trên đầu. Nước Mỹ vừa mới thoát khỏi một trận đại dịch lớn. Họ rất mệt mỏi, chia rẽ, và bực bội. Nếu một bệnh cúm gia cầm bộc phát, e rằng chúng ta không những phải chống trả với  bệnh cúm, mà còn có thể phải chống trả giữa con người với nhau. 

Nhà văn Albert Camus, trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông “The Plague” – Bệnh dịch- nói rằng “vector” chính gây ra bệnh dịch không phải do từ con chim, mà từ con chuột cống. Nhà chức trách trễ nải trong việc đối phó với bệnh dịch, khiến cho số tử vong tăng lên rất nhiều. Con người trở nên mệt mỏi, chán chường, và cuối cùng nổi nóng đánh nhau, xảy ra bạo động. Thậm chí khi bệnh dịch lắng dịu xuống, một bác sĩ phải than rằng: “bệnh dịch sẽ không bao giờ chết hẳn, hay vĩnh viễn biến mất đâu.”. Ông bác sĩ này còn phân tích thêm: “Có lẽ một ngày nào đó sẽ tới khi con người do từ những tai ương của thiên nhiên, và sự giác ngộ của con người, khiến cho số chuột cống tăng lên thật nhiều, xô con người đi đến chỗ chết trong một thành phố hạnh phúc.”..

Sự gia tăng các mầm bệnh gây ra bệnh dịch là một hiện tượng không thể tách rời được trong thế giới văn minh ngày nay. Song tầm mức hủy diệt của nó lẽ ra không đến nỗi quá lớn lao như đã từng xảy ra. 

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo THE NEW YORKER  ngày 13/5/2024