Tham vọng EU của Emmanuel Macron bị cản đường

0
399

Tham vọng lãnh đạo châu Âu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron một lần nữa đang được kiểm chứng trên thực tế.

Chính phủ Pháp đang nỗ lực tiết kiệm và trấn an thị trường tài chính sau khi số liệu chính thức trong tuần qua cho thấy thâm hụt công đã vượt quá mục tiêu và tăng lên 5,5%, tạo nên một thực tế tài chính khắc nghiệt có thể đảo ngược tham vọng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về một nhà lãnh đạo châu Âu thời chiến.

Trong bối cảnh Pháp đang là nước có tỉ lệ thuế trên GDP cao nhất châu Âu, cùng với lãi suất cao, cơ bản là không có cách nào dễ dàng để khắc phục vấn đề mới nhất của ông Macron.

Chính phủ Pháp đang xem xét cắt giảm phúc lợi xã hội và ngân sách cho chính quyền địa phương, một hành động dễ gây sóng gió cho nền chính trị Pháp – một quốc gia luôn coi gói phúc lợi hào phóng của mình là “bất khả xâm phạm”.

Trong những tuần qua, ông Macron đã nhắm đến việc tạo động lực trên khắp châu Âu để tăng cường hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga, vì số phận gói tài trợ mới nhất của Washington cho Kiev vẫn treo lơ lửng trong khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang ngày một đến gần, và khi triển vọng trên chiến trường Ukraine vẫn ảm đạm.

Nhà lãnh đạo Pháp muốn thúc đẩy tầm nhìn của mình về tự chủ chiến lược của châu Âu và chứng minh khả năng của EU trong việc hỗ trợ Kiev mà không cần trông cậy vào Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh khả năng ông Donald Trump có thể quay trở lại Tòa Bạch Ốc ngày càng cao.

Ông Artin DerSimonian, một nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Á-Âu tại Viện Quản lý Nhà nước có trách nhiệm Quincy, cho biết rằng: “Những lo ngại về nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai của ông Trump đã khiến người châu Âu thức tỉnh rằng họ cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ chính mình. Nhận thức như vậy trên khắp lục địa Châu Âu đóng vai trò thúc đẩy ý tưởng tự chủ chiến lược của ông Macron”.

Tuy nhiên, thành công của ông Macron trong việc khoác lên mình vai trò lãnh đạo châu Âu sẽ phụ thuộc vào khả năng của ông trong việc biến lời nói thành hành động và thuyết phục Berlin ủng hộ những ý tưởng của Paris về một châu Âu mạnh mẽ hơn, có chủ quyền hơn.

Nói thẳng ra, vấn đề đầu tiên vẫn là nhà lãnh đạo Pháp cần tiền để mua vũ khí cho Ukraine và kỷ luật tài chính để giữ cho niềm tin của Đức không bị lay động.

Ông Mujtaba Rahman, người đứng đầu bộ phận phân tích về châu Âu của Tập đoàn Eurasia, cho biết rằng: “Khi ông Macron bắt đầu lên nắm quyền vào năm 2017, ông ấy đã cam kết trở thành nhà cải cách vĩ đại, kiểm soát tài chính công và xây dựng uy tín với Đức. Toàn bộ hình ảnh đó hiện đang bị thách thức”.

Thực tế tài chính mới của Pháp sẽ giống như “đá tảng” ngăn trở nỗ lực của ông Macron trong việc tìm kiếm thêm nguồn tiền để tài trợ cho các dự án quốc phòng châu Âu.

Ngoài ra, Pháp đã cam kết viện trợ quân sự lên tới 3 tỷ Euro cho Ukraine trong năm nay như một phần của thỏa thuận an ninh mà hai bên đã ký trong khuôn khổ các cam kết được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm ngoái. Nhưng ở Pháp, khoản tiền đó vẫn chưa được lập ngân sách rõ ràng.

Việc cơ quan thống kê quốc gia Insee thông báo rằng thâm hụt công đạt 5,5% vào năm 2023, cao hơn đáng kể so với dự báo của Chính phủ, đã gây ra làn sóng chấn động khắp giới cầm quyền Pháp.

Con số này cao hơn nhiều so với giả định 4,9% mà Bộ Tài chính Pháp sử dụng để đưa vào kế hoạch ngân sách năm 2024 được Quốc hội nước này thông qua vào cuối năm ngoái. Nợ công của Pháp hiện ở mức 110,6% GDP.

Hôm 27/3, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cam kết Pháp sẽ không bỏ lỡ mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách của mình xuống dưới 3% vào năm 2027, phù hợp với mục tiêu của EU.

Thủ tướng ông Attal nói trên truyền hình Pháp rằng: “Nhiều người nói rằng khó có khả năng chúng tôi sẽ đưa mức thâm hụt xuống dưới 3% vào năm 2018. Thực tế chúng tôi đã làm được điều đó với Tổng thống Macron”.

Chính phủ Pháp đã chuẩn bị cho việc công bố tin xấu trong nhiều tuần. Trong cuộc phỏng vấn với Le Monde vào ngày 6/3, “do mất nguồn thu từ thuế vào năm 2023”, con số này sẽ “trên 4,9% đáng kể”.

Phát biểu trên đài phát thanh RTL hôm 26/3, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, mức thâm hụt cao hơn dự báo là do nguồn thu từ thuế bị giảm 21 tỷ Euro vào năm 2023. Ông chỉ ra thực tế là lạm phát, vốn thường làm tăng thu thuế, đã chậm lại vào năm ngoái.

Sau khi công bố cắt giảm 10 tỷ Euro vào tháng 2, ông Le Maire cũng cho biết đang xem xét cắt giảm ngân sách của các cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương. Nhưng những cắt giảm đau đớn hơn đối với các phúc lợi, bao gồm cả trợ cấp thất nghiệp và chi trả chi phí cấp cứu cho những bệnh nhân không khẩn cấp đã được bỏ qua.

Và đó mới chỉ là sự khởi đầu. Cơ quan kiểm toán Pháp đã cảnh báo rằng nước này cần tiết kiệm 50 tỷ Euro trong 3 năm tới để đạt được mục tiêu thâm hụt 3% của EU vào năm 2027.

Ông Eric Chaney, nhà tư vấn kinh tế và cựu chuyên gia kinh tế trưởng của hãng tư vấn rủi ro AXA, cho rằng Chính phủ Pháp khó có thể tiết kiệm đáng kể.

Chúng tôi đã phải hứng chịu rất nhiều cú sốc trong những năm gần đây: Cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro, đại dịch Covid và phản ứng của chúng tôi là chi tiêu nhiều nhất có thể, trong thời kỳ lãi suất bằng 0”, ông Chaney nói. “Thời đó đã qua và Chính phủ không thể chi tiêu nhiều hơn nữa, nhưng người dân đã quen với điều đó”.

Chính quyền của Tổng thống Macron cũng thiếu đa số trong Quốc hội, nơi các cuộc tranh luận gần đây về cải cách lương hưu nhà nước và cân bằng sổ sách đặc biệt gay gắt. Người đứng đầu Điện Elysee sẽ phải vất vả để có thể đưa luật cắt giảm ngân sách thêm nữa qua ải Hạ viện, nơi phe trung dung của ông bị kẹp giữa cực tả và cực hữu.

Và có khả năng còn có nhiều tin xấu hơn nữa. Vào tháng 4 và tháng 5, các cơ quan xếp hạng sẽ cập nhật xếp hạng của họ về nợ của Pháp. Mốc thời gian này nghĩa là chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, trong đó các cuộc thăm dò cho thấy phe trung dung đang bị phe cực hữu vượt mặt.

Với ngân sách ngày càng chịu nhiều áp lực, khả năng Pháp sử dụng tiền của mình để thực hiện các cam kết với Ukraine đang bị giám sát chặt chẽ hơn. Khoản tiền lên tới 3 tỷ Euro hứa cấp cho Ukraine vào năm 2024 vẫn chưa được phân bổ ngân sách rõ ràng, điều này làm dấy lên nghi ngờ và lo ngại giữa các đồng minh, đặc biệt là người Đức.

Pháp cũng là nước ủng hộ rất lớn sáng kiến của Cộng hòa Tiệp Khắc về việc mua đạn dược từ các nước ngoài châu Âu để cung cấp cho Ukraine trong bối cảnh binh sĩ Ukraine chiến đấu trong tình trạng thiếu hụt đạn pháo trên chiến trường.

Hôm 26/3, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu quả quyết rằng viện trợ cho Ukraine sẽ được phân bổ bất chấp bối cảnh kinh tế phức tạp của đất nước. Ông Lecornu cho biết, ngân sách quốc phòng nhiều năm của Pháp được thành lập vào thời điểm lạm phát rất cao vào năm ngoái, và sau khi lạm phát giảm, nó đã tạo ra khoản tiết kiệm mới.

Khoản tiền tiết kiệm dồi dào này, chúng tôi có thể gửi lại cho Bộ Tài chính hoặc đầu tư vào các lực lượng vũ trang của chúng tôi… nhưng quyết định được đưa ra là dùng nó để viện trợ cho Ukraine”, Bộ trưởng Lecornu cho biết.

Nhưng đã có người hỏi tại sao Pháp lại ưu tiên tiền cho Ukraine hơn các vấn đề khác “quan trọng” hơn. Và mối quan hệ Pháp-Đức, vốn đã căng thẳng vì xung đột Nga-Ukraine, sẽ chịu nhiều áp lực hơn.

Ông Chaney, nhà tư vấn kinh tế, cho biết rằng: “Pháp rất quan trọng đối với khu vực đồng Euro. Đức tin tưởng Pháp, theo cách mà Đức chưa bao giờ tin tưởng Italy. Nếu Đức bắt đầu nghĩ rằng Pháp không thể kiểm soát được khoản nợ ngày càng tăng của mình, nếu họ bắt đầu mất niềm tin vào đồng minh thân cận nhất của mình, thì thị trường cũng có thể nghi ngờ về Pháp”.

Việt Linh (Theo France 24)