Chiến Tranh Hàng Hải Trong Thời Đại Mới

0
418

Với việc đánh chìm chiến hạm Sergey Kotov của Nga hồi đầu tháng Ba, khiến cho gần một phần ba hạm đội Nga hoạt động trong vùng Hắc Hải bị tê liệt, không thể hoạt động được nữa. Trận chiến trên biển trong cuộc chiến ở Ukraine mang ý nghĩa rất lớn, đáng kể nhất kể từ sau cuộc hải chiến ở quần đảo Falklands ngày xưa. Song đó cũng là câu chuyện để bàn luận sâu thêm về sức mạnh của hải quân. Đây là cuộc đấu tranh rất gay cấn, khốc liệt giữa các cường quốc đang diễn ra từ Hắc Hải sang Hồng Hải, và từ Biển Nam Trung Hoa- tức biển Đông của Việt nam,  đến eo biển Đài Loan.

Sức mạnh của hải quân không phải chỉ vì giá trị chiến lược của những chuyến tầu chở hàng, hay vì tham vọng muốn nâng cao vị thế bá chủ đại dương của một quốc gia trong một thế giới vô chính phủ. Ngày nay, sức mạnh của hải quân quan trọng hơn bao giờ hết bởi vì xã hội tân tiến lệ thuộc rất nhiều vào biển cả. Chúng ta đang sống trong thế kỷ của đại dương, và hàng hải, bởi vì đại dương, biển cả trở thành nền tảng, mấu chốt để đem lại sự thịnh vượng về kinh tế, và là cơ sở vật chất để kết nối kỹ thuật số (digital).

Tuyến đường chuyên chở hàng hóa trên biển cả giúp chúng ta có nhiên liệu sưởi ấm, cung cấp bàn ghế, đồ gỗ cho chúng ta dùng hàng ngày. Khoảng 97% hệ thống internet, và rất nhiều năng lượng mà thế giới cần dùng tùy thuộc vào mớ dây cable, và khối dây nhợ kết nối các con tàu chở hàng hóa thương mại trên toàn thế giới. Cả một mạng lưới dày đặc kết nối mọi hoạt động bằng kỹ thuật số chỉ an toàn nếu chúng được bảo vệ an ninh, hoạt động hữu hiệu. 

Trong ít năm gần đây, một số nơi có địa hình phong phú, đa dạng như Somalia, Tonga, Anh quốc, và Đài Loan đã từng gặp phải những mất mát, thua thiệt về kinh tế chỉ vì hạ tầng cơ sở dưới đáy biển bị gián đoạn, không hoạt động tốt. Kể từ hồi đầu năm nay, với sự hoạt động táo bạo, được trang bị phương tiện tối tân của bọn cướp biển Houthis xuất phát từ Yemen cho thấy việc cung cấp hàng hóa nhu yếu phẩm trên thế giới từ gói trà uống hàng ngày, từ vật dụng dùng trong nhà ở nước Anh, đến những bộ phận điện tử cần thiết cho xe hơi trên khắp Âu châu đều tùy thuộc vào đường tiếp tế hàng hóa vận chuyển trên biển cả, đại dương.

Sự lệ thuộc không ngờ vào mối liên hệ bằng hàng hải giữa các nước trên thế giới bỗng dưng khiến cho tất cả hoạt động trên đại dương trở thành mục tiêu để nhiều chế độ độc tài, và tổ chức phi quốc gia muốn chế ngự, đánh chiếm. Những hành động đại loại kiểu như việc phá hoại đường ống dẫn dầu Nord Stream 2. Đây là đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên giữa các nước Estonia, Phần lan, và Thụy Điển. Cũng như việc bọn cướp biển Houthi bắn hỏa tiễn, hay dùng máy bay không người lái cản trở việc lưu thông của những tàu chở hàng trên vùng Biển Đỏ.

Những hành vi trên nêu rõ đặc điểm chung là việc thực hiện sự kết nối bằng hàng hải đang chịu những áp lực rất lớn, có ý nghĩa đáng kể về chính trị, nhiều nước, hay nhiều nhóm phi quốc gia muốn can dự vào trong với tư các tác nhân trên lĩnh vực hàng hải. Một số cường quốc, đặc biệt là Trung Quốc đang cố gắng nắm lấy cơ hội để trở thành một cường quốc hàng hải. Hiện nay, Trung quốc đạt những thành tích mới đáng kể về đủ mọi mặt, chẳng hạn như về khai thác khoáng sản dưới đáy biển, về kỹ thuật tối tân trong việc khám phá đại dương. Trung quốc đạt được nhiều thành tích cả về chất lượng cũng như số lượng vật chất cụ thể vì họ đầu tư rất nhiều vào hàng hải. Chỉ trong vòng một thập niên vừa qua, số tàu, hạm đội của Trung quốc đã bằng gấp đôi lực lượng hải quân nước Pháp.

Nhà chức trách Trung quốc hiểu rằng thế kỷ này là thế kỷ của hàng hải. Vì thế, việc họ liên tục đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng lực lượng hải quân, hứa sẽ đưa Trung quốc trở thành nước có ưu thế về hàng hải, nếu không muốn nói là chiếm vị thế bá chủ thế giới về hàng hải trong tương lai. Họ muốn chuẩn bị cho khả năng có thể xảy ra chiến tranh trên  biển Trung Hoa- (China Sea) , hay tại eo biển Đài Loan, và cả những nơi khác. Việc Chủ Tịch Tập Cận Bình vừa mới bổ nhiệm ông Hu Zhongming, một sĩ quan ư lệnh hải quân dầy kinh nghiệm đứng đầu Hải Quân Trung Quốc cho thấy ý đồ của Trung quốc muốn xây dựng một thế hệ sĩ quan hải quân mới, dày kinh nghiệm, và đầy khả năng để sẵn sàng chiến đấu khi hữu sự. 

Chính vì lý do này, nên Hoa Kỳ và các nước Đồng Minh ở Âu châu và Á châu đang thảo luận rất nhiều về vấn đề họ sẽ phải đầu tư như thế nào để duy trì ưu thế hàng hải. Giới lãnh đạo ở các nước như Nhật Bản và Úc đang đầu tư rất nhiều tiền của vào lực lượng hải quân của họ, từ khả năng đánh trả trên biển đến các dự án xây dựng hàng không mẫu hạm và tàu ngầm để họ có thể liên minh đối phó với những chế độ độc tài. Mới đây vào tháng Mười Hai,năm 2023 Nhật Bản đã tiết lộ ngân sách quốc phòng lớn nhất trong lịch sử nước này kể từ sau chiến tranh. Vào tháng trước nước Úc cũng công bố gia tăng ngân sách quốc phòng, họ tăng gấp đôi số tàu chiến của nước này trên mặt biển, chưa kể trước đó, nước này đã mua nhiều tàu ngầm chạy bằng nguyên tử dùng cho liên minh quân sự AUKUS (Liên minh ba nước Úc Anh và Hoa Kỳ).

Tuy nhiên ở nhiều nước khác như Hoa Kỳ và Anh quốc, việc tăng cường lực lượng hải quân của họ không mấy dễ dàng. Chẳng hạn ở Mỹ, Hải quân Hoa Kỳ chỉ xin ngân sách cho việc sản xuất một tàu ngầm loại giống như chiếc Virginia, thay vì hai chiếc tàu ngầm, vì khả năng sản xuất công nghiệp bị hạn chế. Ở nước Anh, quốc hội cho biết kế hoạch xây dựng đội tàu hải quân mới gặp trở ngại vì không có đủ hải cảng tân tiến, cần phải xây dựng hải cảng trước đã. 

Trong tình hình mới của thế kỷ hàng hải, chúng ta cần phải hiểu rằng lực lượng hải quân là nhu cầu tối cần thiết cho chính sách về an ninh quốc gia. Giống như tất cả các loại bảo hiểm khác, chính sách bảo hiểm an ninh quốc gia đòi hỏi chúng ta phải đầu tư thường xuyên để ngăn ngừa mọi rủi ro có thể xảy ra, và nếu để xảy ra sẽ vô cùng nghiêm trọng. Lực lượng hải quân được sử dụng như dụng cụ giúp ngăn ngừa mọi hành động xâm lược, khiến quân xâm lược phải nhụt chí, đắn đo trước khi mạo hiểm. Nhưng đồng thời khả năng sản xuất của cơ sở công nghiệp chính là mấu chốt tạo nên uy tín về quân sự của một nước. Điểm thiết yếu nhất cần phải nêu ra là khi tất cả những yếu tố khác bị thất bại, chính uy tín về tiềm năng quân sự phải đứng vững để chứng tỏ rằng khi hữu sự, khi cần đến, lực lượng quân sự của một quốc gia có thể đối phó, và thắng được thử thách của quân thù.  

Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME ngày 25/3/2024

Ghi chú:  Tác giả bài báo này là Alessio Patalano Giáo sư về Chiến tranh và Chiến Lược ở vùng Đông Á, ông cũng là giám đốc của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Vĩ Đại của trường đại học King’s College London. Ông chuyên nghiên cứu về chiến lược và học thuyết về hàng hải.