Vovchansk là một thị trấn nhỏ cách biên giới Nga khoảng ba dậm. Trong thị trấn chỉ có lơ thơ vài mảnh đất ruộng, và đôi ba xưởng công nghệ cũ kỹ từ thời Cộng Sản Xô Viết. Trong Thế Chiến Thứ Hai, lực lượng quân sự của Đức Quốc Xã – Wehrmacht- và Hồng Quân Nga giao chiến ác liệt tại đây để chiếm lấy thị trấn nhắm tiến vào Kharkiv. Việc chiếm đóng, kiểm soát thị trấn nhỏ bé liên tục bị thay đổi chủ tới bốn lần. Sau đó, thị trấn Vovchansk bị quân Đức Quốc Xã chiếm giữ khoảng hơn một năm. Ngày nay, sau gần hai năm từ ngày quân Nga mở cuộc xâm lăng Ukraine, họ lại vừa mới làm thay đổi tình thế, phần thắng nghiêng về phía quân Nga . Thế là một lần nữa, thị trấn trở thành trung tâm của nhiều trận đánh quyết định.
Câu chuyện đổi chủ nhiều lần của thị trấn Vovchansk ngày nay bắt đầu từ khi cuộc xâm lăng do Nga khởi sự vào tháng Hai năm 2022. Quân lính Nga ào ạt vượt biên giới tiến vào Ukraine, họ chiếm thị trấn nhỏ Vovchansk một cách dễ dàng, không gặp sự kháng cự nào đáng kể, nhưng sau đó, quân Nga mau chóng bị hao mòn, mệt mỏi vì số quân đem vào không đủ để trấn giữ lâu, vì bộ chỉ huy quân sự Nga không có tổ chức, và quân Nga thiếu sự yểm trợ của không quân, và pháo binh. Tháng Chín năm đó, quân đội Ukraine tung ra cuộc phản công bất ngờ, khiến cho quân Nga phải bỏ chạy, rút lui ra khỏi thị trấn Vovchansk cùng lúc với khoảng hơn một chục thị trấn nhỏ khác trong vùng Kharkiv.
Vào ngày 10 tháng Năm năm nay, khi cuộc chiến bước sang giai đoạn khác, quân Nga lại mở cuộc tấn công. Chiến dịch hành quân mệnh danh là “trận bão thịt người” (meat storm) ám chỉ nhiều đợt lính bộ binh Nga được lệnh xông vào chiến địa. Tình báo Tây phương ước tính rằng tổng số lính Nga bị giết chết, và bị thương có lẽ vượt qua con số nửa triệu trong cuộc chiến ở Ukraine. Số thương vong quá lớn là vết hoen ố xấu cho quân đội Nga, nhưng họ đành phải chấp nhận. Chính phủ Kremlinh tìm cách bổ sung số lính chết bằng nhiều đợt tổng động viên, bắt thanh niên Nga đi lính, cũng như dùng tiền để dụ dỗ họ đăng lính. Mỗi tháng họ tìm cách tuyển mộ khoảng ba chục ngàn tân binh, và chính phủ dùng một phần ba ngân sách quốc gia để chi tiêu vào an ninh và quốc phòng. Theo số ước tính của tổ chức NATO, mỗi năm nước Nga sản xuất khoảng ba triệu viên đạn đại pháo, gấp hai lần tổng số đạn mà các nước trong khối NATO cùng góp sức cung cấp cho Ukraine. Quân đội Nga cũng bắt đầu thành thạo với việc sử dụng máy bay không người lái “drones”, ngang ngửa với việc quân đội Ukraine vận dụng nhiều phát minh tối tân ở chiến trường. Cùng lúc đó, Không Lực Nga tái phố trí, thay đổi lối đánh, lối ném bom. Họ không còn dùng loại bom “ngu” hay “dumb bomb nửa tấn, không được hướng dẫn” của thời Xô Viết xưa kia, thay vào đó, họ dùng loại “bom lướt” – glide bomb- được hướng dẫn để đánh vào mục tiêu. Loại bom này có thể san thành bình địa cả một khu phố, hay giết chết hết một nhóm lính địch.
Trong khi đó, bên phía lực lượng quân đội Ukraine bị khựng lại, có lẽ họ bị một cú cản trở nặng nhất trong năm, giữa lúc cuộc chiến đang diễn ra hết sức căng thẳng. Trong nhiều tháng liên tiếp, những người thuộc Đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện Hoa Kỳ tìm cách ngăn chặn không cho cấp ngân khoản viện trợ quân sự mới cho Ukraine. Do đó, kho vũ khí của Ukraine thiếu thốn đủ thứ từ hỏa tiễn chống máy bay đến đạn đại bác bắn địch quân. Các vị tư lệnh quân đội Ukraine ước tính rằng quân đội Nga có số vũ khí đạn dược qấp 10 lần quân đội Ukraine. Với tình trạng cạn kiệt vũ khí, lực lượng phòng thủ chống phi cơ Nga ném bom, nhiều thành phố ở Ukraine phải chịu áp lực nặng nề nhất kể từ ngày bắt đầu cuộc chiến, nhất là vùng Kharkiv. Hỏa tiễn của quân Nga đánh phá tan tành hệ thống cung cấp điện ở nhiều thành phố. Mãi đến cuối tháng Tư, Quốc Hội Hoa Kỳ mới chấp thuận cấp ngân khoản viện trợ quân sự $61 tỷ đô la cho Ukraine. Nhưng lúc này cao điểm của cuộc chiến đã đổi chiếu. Vả lại vũ khí hạng nặng không thể một sớm một chiều gửi ngay sang cho chiến trường ở Ukraine được. Tuần trước, lần đầu tiên chính quyền ở thủ đô Kyiv phải ra lệnh cho cúp điện trên toàn quốc.
Nhưng việc thiếu thốn vũ khí mới chỉ là một khía cạnh trong nhiều vấn đề mà quân đội Ukraine gặp phải. Quân đội Ukraine hiện đang ở tình trạng thiếu lính hết sức trầm trọng. Vào những ngày đầu của cuộc chiến, rất nhiều người tình nguyện ghi tên xin vào lính để chiến đấu bảo vệ đất nước, nhưng sau này, việc đi tìm những người hăng say đăng lính để bảo vệ quê hương trở nên khó khăn. Nhiều người tỏ ra bất mãn với cuộc chiến tranh kéo dài quá lâu. Bây giờ chỉ còn những người ở vùng thôn quê, ít học, hay nghèo khó, mới chịu cầm súng ra chiến trường đánh nhau với giặc.Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn chưa có giải pháp cho vấn đề nan giải này. Quốc hội Ukraine chưa làm ra được luật động viên mới sau hơn một năm dự tính. Tháng trước, ông Zelensky buộc lòng phải ký ban hành một số luật nới rộng hiệu lực của luật động viên. Chính phủ của ông đưa ra lý do là để vấn đề động viên có hiệu quả, và minh bạch hơn. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có luật về vấn đề giải ngũ dành cho những người lính hiện dịch. Vì thế những tân binh mới bị động viên lo ngại rằng họ sẽ mang quân phục đi chiến đấu, và không hẹn ngày về. Đây là điều không mấy hứng khởi cho họ trong một cuộc chiến giết chết rất nhiều nhân mạng.Tin tình báo của Hoa Kỳ cho biết khoảng hơn bảy chục ngàn lính Ukraine đã bỏ mình vì chiến tranh. Và với việc chuyển vận, tiếp tế thêm vũ khí của Mỹ bị trì hoãn lâu ngày, e rằng luật động viên mới khó có thể thay đổi được thực trạng ngoài chiến trường.
Chính nhờ khoảng thời gian quân đội Ukraine bị khựng lại vì thiếu vũ khí, đạn dược, nên quân Nga đã lợi dụng mở ra nhiều cuộc tấn công dành lại đất cho họ. Đôi bên vẫn đang đánh nhau dữ dội trên đường phố thị trấn Vovchansk. Các vị sĩ quan chỉ huy quân đội Ukraine dùng thuật ngữ quân sự một cách khéo léo như sau: “ quân chúng ta đang di chuyển đến những vị trí thuận lợi, bởi vì quân địch đang tấn công như vũ bão.”. Hay họ báo cáo rằng: “quân Nga đang ở vị trí thành công về mặt chiến thuật” để ám chỉ họ mới mất một vị trí vào tay quân Nga. Nơi nào bị quân Nga xâm chiếm thì họ dùng thuật ngữ quân sự gọi là “đang bị quân Nga sửa đổi.”. Hiện nay, ưu tiên hàng đầu của Vladimir Putin là cố giữ cho bằng được những vùng đất họ đã chiếm được, ám chỉ toàn bộ vùng Donbas, phía đông nước Ukraine, từ đó Putin sẽ dùng làm cơ sở để thương lượng ở hội nghị đình chiến.
Khi Putin mới tung ra cuộc chiến tranh xâm lược, Putin chỉ muốn đánh tan hoang thủ đô Kyiv, và lật đổ chính quyền Zelensky. Nhưng hắn bị thất bại, không ngờ cuộc chiến kéo dài và có chiều hướng thuận lợi cho Ukraine. Zelensky không chịu bỏ chạy, trái lại còn cứng đầu chống lại Nga. Quân đội Nga lâm vào thế hỗn loạn, đánh đấm không ra hồn. Ngược lại, phe Tây phương đoàn kết chặt chẽ, không chia rẽ như Putin vẫn tưởng. Những hình ảnh tốt đẹp vừa kể trên bây giờ không còn nữa. Nó đã bị thay đổi hoàn toàn ngược lại. Mặc dù số quân viện của Hoa Kỳ đủ dùng cho suốt một năm đang trên đường chuyển vận sang Ukraine, Ukraine không thể yên trí rằng trong tương lai họ sẽ còn được tiếp tế hùng hậu, nhất là nếu như ông Donald Trump trở thành tổng thống. Và nghe từ những lời bàn tán ở thủ đô các nước Âu châu, cũng như ở Hoa Thịnh Đốn thì họ nhận định rằng xuyên qua tình hình chiến sự trong hai năm qua, họ sẽ không thể tiếp tục sản xuất vũ khí đế quân viện cho Ukraine thêm được nữa.
Chính quyền Biden ra lệnh cấm không được dùng vũ khí của Mỹ để đánh nước ngoại quốc, vì sợ chiến tranh sẽ leo thang. Ám chỉ rằng Ukraine không được dùng vũ khí của Mỹ để đánh vào lãnh thổ Nga. (Tuần trước Nga cho thực hiện cuộc tập trận ngay vùng biên giới, giả định rằng họ sẽ dùng vũ khí nguyên tử.). Nhưng phía Ukraine lý luận rằng phải cho họ đánh vào lãnh thổ nước Nga vì quân Nga tung ra những cuộc tấn công từ trong nước Nga đi ra. Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Times, ông Zelensky nói rằng quân Nga tập trận đe dọa dùng vũ khí nguyên tử với mục đích chủ yếu muốn nhắn nhủ với đối tác của Ukraine là Hoa Kỳ sẽ cấm không cho Ukraine đánh vào nước Nga. Vì thế họ cứ thế tiến quân trong âm thầm và bình tĩnh vì biết chắc Hoa Kỳ sẽ cấm Ukraine đánh vào lãnh thổ Nga.
Nếu thị trấn Vovchansk thất thủ, rơi vào tay quân Nga, pháo binh của Nga sẽ nhắm tấn công, tiến vào Kharkiv. Chiến dịch quân sự của Nga là nhắm lấy cho được thành phố lớn hàng thứ hai của Ukraine, với dân số khoảng 1.5 triệu người lúc chưa có chiến tranh, và diện tích rộng bằng thủ đô Amsterdam. Hiện nay thành phố này không thể sinh sống được vì bị đánh phá tan hoang. Putin tin chắc rằng nếu Nga tiếp tục gây áp lực mạnh, tạo ra nhiều tàn phá, đổ nát, và thống khổ, cuối cùng phe Tây phương sẽ phải chấm dứt ủng hộ, viện trợ cho Ukraine. Từ đó sẽ đưa đến thay đổi về chính trị ở thủ đô Kyiv, và Zelensky sẽ bị thay thế bằng một nhà lãnh đạo có cảm tình với Mạc Tư Khoa. Nhưng hệ luận trên đây không hẳn là không thể tránh được. Qua câu chuyện về sự thay đổi chủ của thị trấn Vovchansk, chúng ta thấy cuộc chiến ở Ukraine sẽ còn nhiều thay đổi hết sức bất ngờ.
Nguyễn Minh Tâm dịch theo THE NEW YORKER ngày 3/6/2024