Khủng Hoảng Lãnh Đạo Ở Vùng Trung Đông

0
575

Phải chăng vùng Trung Đông đang trong cơn bối rối? Nhiều biến cố vừa xảy ra vào hai ngày 19 và 20 tháng Năm. Trong vòng 24 giờ đồng hồ, Tổng thống nước Iran bị tử nạn vì một tai nạn máy bay, và Thủ tướng Do Thái nhận được trát đòi bắt ông về tội phạm chiến tranh, và tội ác đối với nhân loại. Ông bị tổ chức ICC- Tòa Án Hình Sự Quốc Tế- International Criminal Court- kết tội hình sự về chiến tranh. Tổ chức này cũng tống đạt trát đòi bắt giữ đối với những thủ lãnh của tổ chức Hamas. Trước đó ít ngày, nước Ả Rập Saudi công bố cho biết vị vua già yếu của nước này đang lâm trọng bệnh. Kể từ ngày xảy ra biến cố 7 tháng Mười- tổ chức Hamas tàn sát hơn một ngàn người Do Thái- rõ rệt là vùng Trung Đông đang gặp khủng hoảng trầm trọng về giới lãnh đạo.

Ở Iran, nhiều nguồn tin bàn tán về cái chết của vị tổng thống nước này. Không hẳn vì sương mù mà khiến cho máy bay trực thăng chở tổng thống Ebrahim Raisi gặp tai nạn, người ta đồn rằng biết đâu có bàn tay của tình báo Do Thái MOSSAD, hay máy bay trực thăng chở tổng thống bị Hoa Kỳ bắn rơi để trả đũa cho việc Iran tấn công Do Thái hôm 13 tháng Tư. Ngoài ra, còn có thuyết âm mưu cho rằng chính lãnh tụ già nua của Iran là  giáo chủ Ali Khamenei, 85 tuổi.  muốn trừ khử tổng thống Raisin vì nghi ngờ ông này âm mưu thoán quyền. 

Không giống như trường hợp cái chết của tướng Qasem Soleimani, một vị tướng lừng danh của quân đội Iran. Sau khi ông ta bị ám sát chết bằng máy bay drone, cả nước Iran xúc động, và để tang ông. Riêng cái chết của Tổng thống Raisin thì không gây được tiếng vang gì cho sự nguy hại của chế độ. Giáo chủ Khamenei sẽ quyết định ai là người thay thế tổng thống Raisin trong một cuộc bỏ phiếu riêng của guồng máy lãnh đạo nước Iran. Ngài lãnh tụ tối cao còn tuyên bố rằng “sẽ không có sự gián đoạn” trong công việc của đất nước. Iran sẽ tiếp tục cuộc chiến tranh với Do Thái, tiếp tục gửi vũ khí tiếp tế cho Hamas ở Gaza và cho Hezbollah ở Lebanon. 

Riêng ở Do Thái, thủ tướng Benjamin Netanyahu cảm thấy ấm lòng khi nước này bị kẻ thù oán ghét, và cả thế giới chống lại Do Thái, giúp cho trong nước sẽ có sự đoàn kết vững mạnh hơn. Nhất là khi nước này bị Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (ICC) ra lệnh bắt giữ cả thủ tướng lẫn ông Bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant. Tòa hình sự quốc tế lên án rằng Do Thái đã cố tình giết hại thường dân, khiến họ lâm vào tình trạng chết vì đói. Do Thái đã dùng vũ khí giết chết khoảng 35,000 thường dân ở dải Gaza. Bộ Y Tế của Hamas đưa ra con số thống kê này, và được cả hoa Kỳ lẫn Do Thái chấp thuận. Lời kết án của Tòa Hình Sự Quốc tế còn phải được một ủy ban các thẩm phán chấp thuận và phê duyệt. 

Công tố viên Karim Khan cũng tống đạt đòi bắt Yahya Sinwar, kẻ đứng ra tổ chức vụ tấn công người Do Thái hôm 7 tháng 10, và Mohammed Deif, kẻ lãnh đạo bộ phận quân sự của tổ chức Hamas, Ismail Haniyeh, thủ lãnh chính trị của Hamas, đặt trụ ở nước Qatar. Cả hai tên Sinwar và Deif nghe nói vẫn còn đang ở trên dải Gaza, và quân đội Do Thái đang lùng kiếm để giết chết hai tên này. Những tay lãnh đạo trong tổ chức Hamas bị kết nhiều tội như hãm hiếp, đánh đập, và bắt làm con tin nhiều thường dân Do Thái trong vụ tấn công hôm 7 tháng 10, giết chết 1,200 thường dân Do Thái. Đây là vụ giết hại người Do Thái lớn nhất trong lịch sử kể từ sau vụ Holocaust, tức vụ phát xít Đức giết người Do Thái trong thế chiến thứ Hai. Tổ chức Hmas từng nổi tiếng là tổ chức khủng bố, chuyên đánh bom tự sát để gây tiếng vang quốc tế. Vì thế việc Tòa án Quốc Tế truy tố Hamas không ảnh hưởng gì đến tổ chức này. Họ vốn dĩ đã có nhiều tai tiếng. Riêng quân đội Do Thái từ bấy lâu nay vẫn có tiếng là môt quân đội đạo đức, và có kỷ luật nhất thế giới. Lời cáo buộc của Tòa án quốc tế là một cú tát rất nặng đối với Do Thái. Nước Do Thái trông cậy rất nhiều vào sự ủng hộ của các nước phương Tây nhất là của Hoa Kỳ. Lấy ví dụ điển hình trong tháng Tư vừa rồi, Iran đã dùng rất nhiều máy bay không người lái đánh Do Thái, bay kín cả bầu trời. Nhưng rút cục đa số những máy bay này đã bị bắn hạ nhờ sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và nhiều nước khác. 

Rủi ro cho ông Thủ tướng Netanyahu vừa mang tính chất cá nhân lẫn tính chất chính trị. Ông có thể bị bắt giữ nếu ông đi đến một trong 124 nước từng kết thỏa ước với Tòa Án Quốc Tế. Ở trong nước ông bị các đảng phái chính trị Do Thái kết tội đã sơ xuất không đảm bảo được an ninh cho Do Thái để xảy ra vụ tấn công hôm 7 tháng 10. Đặc biệt đối với số phận của những con tin Do Thái bị Hamas giam giữ. Thân nhân của họ oán trách ông Netanyahu không giải quyết được vụ con tin Do Thái. Trước khi Tòa án Quốc Tế đưa ra lời kết tội, ông Gallant, Bộ trưởng quốc phòng trong nội các chiến tranh của Do Thái đã lên tiếng chỉ tri2ch thâm tệ ông Netanyahu vì ông này không thảo ra kế hoạch giải quyết dải Gaza sau chiến tranh. Ngoài ra, ông Benny Gantz, cựu tham mưu trưởng quân đội Do Thái, một thành viên khác trong nội các ra lệnh cho ông Netanyahu hạn chót là ngày 8 tháng Sáu, ông phải đưa ra được kế hoạch chấm dứt chiến tranh. Ông Ganz tuyên bố rằng ông Netanyahu có lỗi vì đã đem những nhân vật cực hữu vào nội các, nên mới xảy ra vụ tấn công. Ông Gantz hăm dọa sẽ đòi tổ chức bầu cử bất tín nhiệm ông Netanyahu nếu ông không giải quyết được chiến tranh. 

Ở nước Ả Rập Saudi, nhà vua năm nay đã 88 tuổi, sức khỏe rất kém. Ông thường hay cử Hoàng tử Mohammed bin Salman thay ông đảm đương việc nước. Nhưng ông hoàng này bị tai tiếng xấu vì đã ám hại giết chết nhà báo Jamal Khashoggi, người Mỹ gốc Ả Rập Saudi. Ngoài vụ giết nhà báo Khashoggi, ông hoàng MBS lại được tiếng là giúp Ả Rập Saudi tạo được quan hệ tốt với Do Thái. Để đối phó với nước thù nghịch Iran, nước Ả Rập Saudi nhắm mắt làm ngơ để Do Thái tự ý giải quyết vấn đề dân Palestine ở dải Gaza. Một thỏa ước sắp được thành hình thì xảy ra vụ tấn công hôm 7 tháng Mười. 

Đối với nhiều nước trên thế giới, việc công nhận một nước Palestine là điều hiển nhiên, không thể tránh được. Ngày 22 tháng Năm ba nước Tây Ban Nha, Na Uy và Ái Nhĩ Lan ra tuyên cáo chung thừa nhận một nước Palestine. Ở trong nước Do Thái, giải pháp do ông Gantz đề nghị là “một tổ chức dân sự cai trị quốc tế dành cho dải Gaza. Trong đó có đại diện của Mỹ, Liên Âu, khối Ả Rập và thành tố đại diện cho người Palestine”. Người ta thắc mắc không hiểu cụm từ Thành tố Đại Diện cho người Palestine- hay Palestine Elements- ám chỉ những ai, người nào có đủ tư cách đại diện cho dân Palestine trên dải Gaza. Thật khó để đi tìm hòa bình cho vùng Trung đông. 

Nguyễn Minh Tâm