Những Bài Báo Viết Về Cuộc Chiến Ở Dải Gaza

0
389

Đã bảy tháng trôi qua tính từ ngày 7 tháng Mười, tình hình vẫn giữ y nguyên như ngày 8 tháng Mười, một ngày sau khi quân Hamas tấn công Do Thái giết chết hơn một ngàn người. Người dân nước Do Thái vẫn ở tâm trạng đau khổ, khóc thương cho những người bị quân khủng bố Hamas sát hại. Đồng thời họ cũng tức giận với các nhà lãnh đạo Do Thái, lo lắng cho số phận của những con tin bị bắt ở Gaza, đau đớn cho tương lai của đất nước, và hoang mang tột độ khi thấy thế giới bây giờ chỉ chú tâm để ý đến sự kinh hoàng, đau đớn của người dân Palestine bị chết, bị thương do chiến cuộc gây ra. Trong chừng mực nào đó, các đài truyền hình của Do Thái cũng có tường thuật về tình hình chiến sự ở Gaza. Thường thì họ nói về chiến lược quân sự sẽ dùng ở chiến trường, số binh lính Do Thái bị thiệt mạng, và số phận của các con tin hiện đang ở trong tay Hamas. Giống như trường hợp nước Mỹ bị quân khủng bố tấn công trong vụ 9/11, sự thương cảm chỉ đến một mức nào đó thôi. Sau đó, người dân chuyển hướng chú tâm chủ yếu sang tình hình chính trị trong nước, và tìm hiểu những nguyên nhân nào đã đưa đến sự việc Do Thái bị Hamas tấn công. Trong bối cảnh về cảm xúc do gây chiến tranh gây ra, phải kể đến một trường hợp ngoại lệ, đó là hoàn cảnh của hai triệu công dân Do Thái gốc Palestine, đàn ông, đàn bà, trẻ em sống chung với những người láng giềng Do Thái. Bất chợt họ nhận được tin kinh hoàng qua điện thoại về thân nhân, bạn bè của mình bị giết chết trong vụ tấn công kinh hồn này. 

Những cuộc thăm dò dư luận ở Do Thái thường hiếm khi nào thuần nhất, trọn vẹn. Kết quả thăm dò thường đưa đến những lời chỉ trích chính quyền hữu khuynh của ông Benjamin Netanyahu. Tập thể báo chí ở Do Thái  khá đa dạng, và cấp tiến. Trong một thiên phóng sự điều tra trên truyền hình của đài “Uvda”, kênh số 12, người điều hợp chương trình là Illana Dayan phỏng vấn cựu chỉ huy cơ quan tình báo Shin Bet, ông Nadar Aragaman. Ông này thẳng thừng tố cáo rằng chính phủ của ông Netanyahu đã “cố tình phá nát xã hội Do Thái để duy trì quyền bính.”. Trong các chế độ độc tài chuyên chế, luận điệu chỉ trích chính phủ nặng nề như vậy không bao giờ được phép thực hiện. Vì thế chính phủ của ông Netanyahu, một phần nào cũng khá độc tài,chuyên chính, nên gần đây họ đã ra lệnh cấm đài truyền hình Al Jazeera  hoạt động ở Do Thái, với lý do là hệ thống truyền hình này đe dọa cho an ninh quốc gia.  

Chúng ta cũng cần phải ghi nhận những hành vi dũng cảm của nhiều ký giả người Palestine, một số đã bị chết trong lúc đi làm phóng sự. Có lẽ chúng ta nên xem qua một số bài báo viết bằng tiếng Do Thái – Hebrew- mô tả kỹ càng, tuy không được khéo léo, về những gì đang thực sự xảy ra ở Do Thái, trên dải Gaza, và vùng West Bank, đó là tờ báo Haazets, một tờ báo có từ năm 1918. Nếu tính về con số độc giả, tờ báo này có số độc giả thua tờ báo lá cải Yedioth Ahronoth và tờ Israel Hayom của phe Bảo Thủ. Chủ nhân của tờ báo này là gia đình tỷ phú Sheldon Adelson, làm giàu nhờ kinh doanh sòng bài. Tin tức của tờ Haazets tương đối trung dung, có tiếng là nặng về chủ thuyết. Tờ báo có xu hướng tả khuynh trong một đất nước đang cương quyết đi ngả về phía hữu.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ thích thú và cảm kích về những bài phóng sự,  bài phân tích thời cuộc của những tờ báo này.Ngày nào hai ký giả Amoa Harel và Anshel Pfeffer cũng cho chúng ta những bản phân tích, đánh giá tình hình thời cuộc rất xuất sắc, không thể ngừng đọc được về sự tàn bạo của phía quân đội, cũng như sự điên rồ của giới lãnh đạo chính trị. Ký giả Yaniv Kubovich viết rất kỹ càng về những thất bại của ngành an ninh tình báo, từ thất bại này đến thất bại khác. Nữ ký giả Amira Hass là con gái của một người từng sống sót sau thảm họa Holocaust. Bà liên tục sống ở dải Gaza và vùng West Bank từ hơn ba chục năm nay. Những bài phân tích của bà về cơ cấu kiến trúc, và phí tổn nhân mạng sẽ phải trả nếu cố tình muốn chiếm đóng ở luôn tại vùng này. Nhưng qua nhiều thế hệ, những bài phân tích của bà thường hay bị công luận ở Do Thái làm ngơ, không để ý đến. Bài báo của ký giả Netta Ahituv miêu tả hình ảnh bác sĩ David Hasan, người Mỹ gốc Palestine từng tốt nghiệp ở trường đại học Duke, ông lo chữa trị cho các trẻ em ở dải Gaza. Bài báo nói lên những nỗi thống khổ người dân ở khu Khan Yunis và Rafah đang phải chịu đựng. Bác sĩ Hasan nhớ những lúc ông đang cố gắng cứu chữa cho vô số bệnh nhân thì bom dội trên đầu, làm cả bệnh viện rung chuyển, nền móng xi măng của tòa nhà cũng bị lung lay. Ông hỏi thăm các bác sĩ ở địa phương: “Mình phải làm gì khi bom ném xuống gần bệnh viện?”. Họ trả lời ông: “Mình cứ tiếp tục chữa cho bệnh nhân để không bị nỗi lo âu làm sao lãng.”Ký giả Sheren Falah Saab, người từ nhỏ đã sống và lớn lên ở vùng phía tây Galilee, chuyên viết những bài báo về nền văn hóa Ả rập, vừa mới viết một thiên phóng sự khá dài về tình hình ở dải Gaza. bà để cho nạn nhân nói trực tiếp vào trong máy ghi âm, gửi đến cho độc giả, đoạn văn như sau:

“Chết chóc ở khắp mọi nơi, người ta không thể chôn kịp những xác chết, nhiều xác người còn nằm trơ vơ trên bãi đất, không kịp vùi sâu xuống đất.” Đó là lời nói của một bà mẹ 36 tuổi, miêu tả về tình hình ở dải Gaza. Bà là cư dân ở Gaza City phải bỏ chạy sang Rafah, với ba đứa con nhỏ. Nhiều khi không kịp chôn xác chết thì bom lại tiếp tục dội xuống. Bạn bè, hay thân nhân của người chết phải nhờ hàng xóm viết tên của người chết trên tường của một căn nhà, nếu căn nhà đó còn tấm tường chưa thành gạch vụn. Họ viết tên người chết trên đống gạch vụn để hy vọng sau này có thể quan trở lại tìm xác người chết.”

Nhiều bài báo khác trình bày những sự thực mà nhiều độc giả tránh né không dám, hay không muốn đọc. Những bài báo này rất hay và thú vị lắm. Ví dụ như bài báo trên tờ Haaretz  nói về tâm lý chống Do Thái đang trên đà lên cao ở khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt là bài báo này tránh không so sánh tâm lý bài Do Thái ngày nay với thời năm 1938, hay không bôi nhọ những sinh viên biểu tình chống Do Thái là những kẻ “thân Hamas”.

Nhiều bài báo viết về ông Netanyahu  mang tính chất thông tin về những sự kiện có thật, và cũng mang tính chất phê bình cá nhân ông Thủ tướng. Riêng tờ báo Haaretz miêu tả về một thế giới dưới ba lăng kính trong đó Thủ tướng Do Thái Netanyahu là một yếu tố nguy hiểm cho toàn vùng. Cách đây không lâu, ký giả Shlomi Eldar phỏng vấn một loạt những người Palestine- có cả những người ủng hộ nhóm Fatah – họ từng phải sống ở dải Gaza dưới sự cai trị của Hamas, sau đó, họ chạy sang Ai cập, sống ở thành phố Cairo. Một cựu viên chức của tổ chức Fatah tên là Suyan Abu Zubaydah kể lại với ký giả Eldar rằng khi họ trông thấy những chiếc xe jeep chở con tin Do Thái đi, ông ta biết  ngay rằng cuộc chiến sẽ hết sức tàn khốc, và kéo dài. Ông tỏ ý vô cùng tuyệt vọng. Ông than thở: “Gaza đâu có phải là nẻo đường đưa đến sự diệt vong.”. Theo những nguồn tin từ phía Palestine do ký giả miêu tả trong một hội nghị cách đây  ba năm ở khách sạn Commodore, gần bờ biển ở dải Gaza. Hội Nghị có cái tên rất hay là “Lời Hứa Sau Hội Nghị” . Theo ký giả Eldar, tại hội nghị này các đại biểu thảo luận về kế hoạch thôn tính Do Thái, nói theo lời của người lãnh đạo tổ chức Hamas là ông Yahya Sinwar. Là họ “Sẽ giải phóng hoàn toàn dân Palestine từ biển cả đến dòng sông.”. Các lãnh tụ Hamas vạch ra nhiều điểm cần phải làm. Ví dụ những tên Do Thái nào cần phải giết hay bị xử tội, làm cách nào để tránh  hiện tượng “xuất não”- tức là làm mất đi những cá nhân tài giỏi, và làm cách nào để chia đôi những bất động sản của người Do Thái, như nhà cửa, trường học, trạm xăng, và những nhà máy phát điện.

Chính quyền Netanyahu bày tỏ sự ngưỡng mộ, thán phục của họ đối với tờ báo Haaretz bằng cách cử ông bộ trưởng truyền thông Shlomo Karhi đúng ra đóng cửa tờ báo này. Ông tuyên bố tờ báo có chủ trương “chủ bại và tuyên truyền bố láo.”. Một trong những bộ trưởng cực kỳ phản động trong chính phủ là ông Itamar Ben-Gavir thì ví von rằng tờ báo này chính là “nhật báo của bọn Hamas”. 

Với lời hăm dọa của ông Netanyahu sẽ đánh thật mạnh vào khu Rafah trong vài ngày sắp tới, khiến người ta khó có thể mường tượng ra trong tương lai cuộc chiến sẽ đi về đâu. Giữa muôn vàn chết chóc, thương vong, hận thù và bất tín, điều mà chúng ta cần có lúc này là những người lãnh đạo có tâm hồn, những nhà tư tưởng vĩ đại, những định chế có viền kiến tốt, và lòng thành thật tìm cách xây dựng lại những gì bị đổ vỡ. Họ phải biết cách thu xếp lập ra những thỏa thuận về chính trị. Những sắp xếp đó phải từ chối không chấp nhận những tan hoang đổ nát nơi chiến địa. Đó là những thực tế hết sức tàn ác, những sự chiếm đóng vô lý, và ngoan cố. Chúng ta phải tìm cho được những sắp xếp có thể thực hiện được, và có tính chất nhân đạo. Trong đó phải cho người Do Thái sự an ninh mà họ đòi hỏi hợp lý, và người Palestine có được sống độc lập trong danh dự, mà họ đòi hỏi rất chính đáng.

Nguyễn Minh Tâm dịch theo THE NEW YORKER  ngày 20/5/2024