ĐÔI LỜI GỬI CÁC CHÁU THẾ HỆ CHU NGỌC QUANG VINH TẠI VIỆT NAM

0
2639

Các cháu thân mến,

Ngày 2-9-2024, đánh dấu 79 năm lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện diện trên đất nước chúng ta. Bản thân tôi cũng sinh ra đồng thời với khung thời gian nầy và được xếp vào “thế hệ Chiến tranh Việt Nam”, thế hệ đàn anh cao tuổi nhất còn tồn tại trong khi có ¾ người đồng thời đã về đất. Thế hệ các cháu như Chu Ngọc Quang Vinh được xem như là “thế hệ thứ ba” chuẩn bị thay thế cho thế hệ “bắc cầu” đang lãnh đạo và xây dựng đất nước.

Là một người Việt cao niên đang ở Mỹ, tuy xa quê đã 42 năm nhưng hàng ngày tôi vẫn theo dõi tin tức quê nhà. Từ vài hôm nay, chúng tôi bỗng chú ý đến nguồn tin “bão mạng” về trường hợp vấp ngã bởi không biết uốn lưỡi bảy lần mà nghĩ gì nói nấy, viết nấy của cháu Chu Ngọc Quang Vinh – một học sinh lớp 12 ở Yên Báy – học giỏi, được giải thưởng đứng hàng đầu, từng xếp thứ nhất cuộc thi tuần và tháng tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 trong năm 2023. Cũng theo nguồn thông tin đại chúng, trong dịp lễ Quốc Khánh 2/9, trong bài viết trên trang mạng Facebook cá nhân vào hôm 1/9, Quang Vinh cho biết sau khi tiếp cận “cao trào” văn hóa phương Tây, bản thân Vinh dần dần phát hiện ra những gì học ở trường lâu nay không hoàn toàn đúng sự thật và bắt đầu nhìn Đảng như “một thế lực không tốt, gạt dân” nên muốn gắng học giỏi để có cơ hội ra sinh sống ở nước ngoài.

Quan điểm mang tính “bứt phá” của cháu Quang Vinh gửi riêng cho 16 bạn đã bị lọt ra ngoài, gây nên những luồng sóng công kích dữ dội với các nội dung quy kết là “không yêu nước”, “phản động”, “vô ơn”… từ phía chính quyền, hội đoàn, cũng như cư dân trên các trang mạng xã hội.

Trong Story (mục chuyện kể trên Facebook) chỉ giới hạn cho 16 người xem, sau khi nói lên dòng suy nghĩ về hiện trạng Việt Nam như đã nêu trên, Quang Vinh viết: “… chúc nước Việt Nam, dù dưới chế độ nào cũng ngày càng phát triển về mọi mặt, vì quê hương của tôi mãi là Việt Nam.”

Trước “cao trào” phê phán nghiêm khắc và buộc tội gay gắt từ nhiều phía, phía phản biện chống quan điểm hài tội tấn công Quang Vinh cho rằng, lời nói trung thực, phản ánh quan điểm cá nhân của một học sinh lớp 12 cần được tôn trọng và nếu có chăng sự phê phán từ phía trái chiều thì cũng nên thể hiện theo tinh thần văn hóa ứng xử công bằng và thuyết phục. Mặc dầu Quang Vinh đã kéo xuống lời viết trái chiều không theo lề phải để nhận lỗi cũng như xin lỗi nhưng; “một lời đã nói, bốn ngựa không theo níu lại kịp…” đã trở thành bản án trái quan điểm và tâm lý nghịch chiều trong khung cảnh xã hội và chính trị “đoàn kết nhất trí theo lề phải” của Việt Nam thời thượng.

Các cháu thân mến,

Tuổi trẻ thế hệ các cháu, Đông cũng như Tây, đẹp nhất là phẩm chất trong sáng, lương tri thẳng thắn và bản chất lương thiện. Tuy nhiên, điều khó nhất là sự biểu hiện thích nghi khi biến ý nghĩ thành hành động phù hợp với hoàn cảnh văn hóa và xã hội cụ thể tại nơi mình đang ở. Ví như tại Mỹ, tuổi trẻ đốt cờ Hoa Kỳ nhân danh quyền Tự do Ngôn luận được Tối cao Pháp viện cho phép (1989 thuận 5/4), trong khi tại các nước khác đốt cờ biểu tình là phản quốc. Tuổi trẻ các nước phương Tây có quyền công khai phê phán, chỉ trích lãnh tụ và các nhân vật cộng đồng, trong khi phần lớn các nước phương Đông lại cho sự phản kháng tương tự là phạm tội, là chống đối, phản động.

Quy ước xã hội cũng như quyền bính chính trị tại một số nước thứ ba không chấp nhận đối lập nên hành động ngược lại thế lực cầm quyền là phạm tội. Ngay trong gia đình Việt Nam, con cái không vâng lời, tranh cãi với cha mẹ hay người lớn vẫn bị cho là hỗn hào, vô phép… Sự cấm cản quyền tự do phát biểu quá khắt khe của một xã hội dẫu là do truyền thống gia trưởng hay do sự áp đặt chính trị thường tạo ra một lớp người thụ động, buông xuôi và thậm chí dối trá.

Ngược lại, sự tự do phóng túng về quyền phát biểu của tuổi trẻ như tại Mỹ và xã hội phương Tây, tạo ra không ít tình trạng xung đột tranh cãi, lạm dụng ngôn từ và từ khước cha mẹ, xa lánh phụ huynh của tuổi trẻ. Trong báo cáo mới nhất của PEW, cơ quan nghiên cứu và thăm dò hàng đầu thế giới đã chỉ ra rằng, số trẻ bỏ nhà ra đi (run away), từ khước gia đình (family alienated) đang gia tăng đáng quan ngại vì sự xung đột giữa hai thế giới người lớn và tuổi trẻ.

Cả hai trường hợp cực đoan cấm cản ràng buộc và tự do quá mức của hai xã hội nêu trên, tuổi trẻ sẽ có phản ứng tâm lý, tình cảm và hành động tiêu cực, chống đối và bất chấp. Thực tế xã hội, gia đình và cá nhân đã chứng minh rằng, chỉ có con đường Trung đạo tránh hai phía cực đoan, thái quá – bất cập, là có khả năng đưa tương lai tuổi trẻ tiến xa trong bình yên và thành đạt tới bờ, tới bến.

Bởi Việt Nam là một đất nước “bao lơn” trông ra Thái Bình Dương với vị trí ngã tư thế giới nên tầm nhìn vẫn luôn luôn hướng tới những chân trời mới lạ nên tâm trạng tuổi trẻ mong được sống và học hành ở nước ngoài là một biểu tỏ chân thành và hợp lý. Tuổi trẻ thường lạc quan nhìn lên thế hệ cha anh để trồng mầm mơ ước.Hầu hết thế hệ tiền bối thành công đều là những người có tầm nhìn xa và cơ hội tiếp cận với văn hóa và kỹ thuật nước ngoài. Những khuôn mặt lãnh đạo chính trị và khoa học lớn của nước Việt Nam  đều được có cơ hội học hỏi, đào tạo và sinh sống ở nước ngoài. Bởi vậy, con cháu của đại gia và quan chức Việt Nam hàng đầu có ai không tìm cách đưa thế hệ con em ra nước ngoài du học. Bởi vậy, tâm lý muốn ra nước ngoài sinh sống có thể nói là chiếm ý hướng tiến thân của tuyệt đại đa số thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay. Và, như tâm tư được bày tỏ trong “Story” của cháu Quang Vinh đã gửi giới hạn trong vòng thân hữu 16 người với câu kết luận:   “…chúc nước Việt Nam dù dưới chế độ nào cũng ngày càng phát triển về mọi mặt, vì quê hương của tôi mãi là Việt Nam” đã là sự biểu tỏ quá thật thà và nhân hậu.

Các cháu ơi!

Việt Nam của chúng ta và tương lai các cháu đang vươn lên. Chưa bao giờ thế giới lại biết đến Việt Nam nhỏ bé với lòng mong đợi tích cực nhiều đến thế. Với trái tim yêu nước, khối óc thông minh và tấm lòng trung hậu, các cháu hãy biết tránh lối chông gai để còn tồn tại vững bước mà đi. Sự im lặng sấm sét trước phong ba hiện tại lắm lúc còn mạnh hơn bão tố tương lai.

Đừng nhẹ dạ để lời khen chê nhất thời níu lại trong tù ngục của chính mình các cháu nhé!

Chúc các cháu thế hệ kế thừa Việt Nam sức khỏe và bình yên, sự bình yên của con thuyền trên biển sóng; khi không thay đổi được hướng gió và ngọn sóng thì cần biết điều chỉnh cánh buồm cho tàu đi đúng hướng.

Thân ái chào các cháu.

Sacramento 4-9-2024

Trần Kiêm Đoàn