ĐÒN LỪA CUỐI CÙNG CỦA BẮC VIỆT TRONG CHIẾN TRANH: CHÍNH PHỦ LIÊN HIỆP 3 THÀNH PHẦN

0
1113

Lời tòa soạn: Đòn lừa của Bắc Việt chỉ bị tiết lộ khi cuốn hồi ký “Saigon et Moi” của Đại sứ Pháp Mérillon được ra mắt ngày 23/5/1985 tại Paris. Nhưng sau đó, Bộ Ngoại Giao Pháp đã ra lệnh thu hồi nên độc giả khó tìm kiếm để mua. May thay, ông Vũ Hải Hồ ở Paris đã có quyển sách này và đã tóm lược những điểm chính, và được ông Đặng Kim Thu K19, Võ Bị Đà Lạt dịch và giới thiệu. Nhờ đó tác giả Nguyễn Tường Tâm mới có thể tham khảo, đối chiếu với nhiều tài liệu khác để có được bài báo duy nhất giới thiệu đầy đủ và cụ thể cái gọi là tin đồn về “CHÍNH PHỦ LIÊN HIỆP 3 THÀNH PHẦN” vào tháng 4-1975.

Binh pháp Tôn Tử, thiên 3 (Mưu Công), “thượng sách trong việc dùng binh là lấy mưu lược để thắng địch… hạ sách là tấn công thành trì.” Trong mưu kế này, sau khi ký Hiệp định Hòa bình 1973, Bắc Việt đã dùng tuyên truyền xám (là tuyên truyền không rõ nguồn gốc) để làm lung lay thượng tầng lãnh đạo của Miền Nam. Trong khi vẫn đánh mạnh, Bắc quân tung ra tuyên truyền xám là “Vĩ tuyến 17 sẽ di chuyển vào một tỉnh nào đó phía nam, để vùng đất giữa cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN)”, khiến dân chúng hoảng hốt tìm cách di chuyển sâu về phương nam để tránh cộng sản. Một người dân tác giả đã viết “Mọi người đồn đoán: có thể vĩ tuyến 17 sẽ dời đến Đà Nẵng vì vậy ông quyết định cho gia đình về lánh nạn ở Nha Trang với cậu T., em ruột mẹ tôi.” (1) Dần dần vào cuối 1974, Bắc Việt tung ra đề nghị một cuộc điều đình với chính quyền miền Nam không có Tổng thống Thiệu. Đây chỉ là hư chiêu đồn đại của Bắc Việt chứ chẳng có văn bản chính thức nào. Nhưng Hoa Kỳ, hoặc thực sự bị mắc lừa hoặc giả vờ bị mắc lừa, đã mượn ngay hư chiêu này của Bắc Việt để rút chân ra khỏi miền Nam suông sẻ, nên ngày 18-4-75 ĐS Martin trao đổi điện thoại với Đại sứ Pháp muốn giao cục xương khó nuốt, miền Nam, cho Pháp. Hồi ký của Đại sứ Pháp (2) viết, “ĐS Mỹ Martin cho Chính phủ Pháp biết việc Hoa kỳ sẽ bỏ rơi VN sau khi Phan Rang thất thủ. Nếu nước Pháp có muốn cố giữ miền Nam, qua một Chính phủ trung lập tạm thời…” Hồi ký cũng viết tiếp “ĐS Martin chỉ nói miệng vì không muốn lưu lại bằng chứng nào trong việc trao đổi điện thoại tối ngày 18-4-75… Trong tâm tình riêng giữa hai vị Đại sứ, Martin nói với Mérillon rằng nước Mỹ đã quá chán ngấy những cuộc đảo chánh trước kia nên đã khuyển cáo Tổng Thống Thiệu từ chức ra đi, tốt hơn là bị đảo chánh.” 

Sau đó, ngày 20/4/75, phục tùng theo hư chiêu của Bắc Việt, Hoa Kỳ đã áp lực Tổng thống Thiệu từ chức. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Bộ trưởng thân cận của TT Thiệu tới phút cuối đã tiết lộ, “Ngày 20/04/1975, ĐS Mỹ Graham Martin gặp TT Thiệu để thuyết phục ông từ chức, với lý do ông Thiệu đã thành một trở ngại cho hòa bình. Bắc Việt không điều đình với ông và Quốc Hội Mỹ cũng không ủng hộ ông.” (3)

Sau khi được Hoa Kỳ “bàn giao” miền Nam, Đại sứ Pháp Mérillon tưởng rằng “sứ mệnh lịch sử quốc tế” đã rơi vào tay mình nên bắt đầu hoạt động tích cực. Khởi đầu ĐS Pháp liên lạc với Bắc Việt để có thông tin cụ thể, đồng thời liên lạc với Trung Cộng để tìm hậu thuẫn. Đại sứ Pháp nghĩ rằng Trung Cộng vừa là đồng minh của Bắc Việt can dự mạnh mẽ vào chiến tranh Việt nam, vừa là quốc gia lân bang với Bắc Việt nên có thể có ảnh hưởng và hành động trực tiếp một cách mau chóng. Hồi ký của ĐS Mérillon viết tiếp, “Trung Cộng đồng ý hợp tác với Pháp để hình thành một Chính phủ Trung Lập tại miền Nam VN, nếu có sự tham dự của MTGPMN.” Nhưng trong hồi ký của ĐS Pháp có đoạn sau đây không thấy tài liệu nào ghi, “Điều trớ trêu là quyết định này lại thuộc năm tướng lãnh của Nga, đang có mặt trong Bộ tư lệnh của quân CSBV tại mặt trận Long Khánh.” Đồng thời đoạn sau đây cũng không thể kiểm chứng, “Mao Trạch Đông ‘ghét cay ghét đắng’ Lê Duẫn vì y thân Nga, vì thế điều kiện mà Bắc Kinh đặt ra là phải làm sao triệt hạ nhóm Đảng viên thân Nga, cũng như tìm cách cầm chân quân BV, để tạo cơ hội cho MTGPMN vào SG. Bắc Kinh còn muốn tìm cách không cho BV chiếm trọn miền Nam.” Tất cả những đoạn tiếp theo của cuốn hồi ký cho thấy Trung cộng đã đồng ý với Pháp để can thiệp vào giải pháp chính phủ 3 thành phần tại miền Nam. Nhưng theo ý tôi, với tình hình thắng lợi như vũ bão của Bắc quân lúc đó, thì sự ngăn chặn của Trung cộng là điều không thể tin được. Nhưng không hiểu sao Đại sứ Mérillon lại nhiệt tình với giải pháp này bất kể thời gian không còn nhiều. 

Ngày 21-4-75, trước áp lực của Hoa Kỳ, TT Thiệu từ chức, trao quyền lại cho Phó TT Trần Văn Hương (theo đúng Hiến Pháp). 

ĐS Pháp viết tiếp “Pháp đang hoạt động cho giải pháp Chính Phủ ba thành phần: quốc gia, đối lập, và MTGPMN. Thủ Tướng Chu Ân Lai của Trung Cộng đưa ra một danh sách, gồm có: Trương Như Tảng, Nguyễn Thị Bình, Đinh Bá Thi, các Tướng vc Lê Quang Ba, và Trần Văn Trà.” Sau khi thoả thuận với Trung Cộng, sáng ngày 22/4/75 ĐS Pháp Mérillon mời Phái đoàn của Tướng Dương Văn Minh tới Toà ĐS Pháp thảo luận. Sau khi lịch sự mời đoàn người tháp tùng Tướng Minh ra về để ĐS Mérillon mời một mình ông Minh dùng cơm trưa “bàn luận” kế hoạch. Ông Mérillon đưa ra hai cách thực hiện và đề nghị ông Minh phải tận lực hoàn thành giải pháp Trung Lập, như được trình bày chi tiết trong Hồi ký của ĐS Pháp. (4)

Cách thứ nhứt: Thành phần Chính Phủ Hoà Hợp Hoà Giải Dân Tộc gồm có hai Đồng Chủ Tịch: Dương Văn Minh và Tướng vc Trần Văn Trà.

Ba Phó chủ tịch: Vũ Văn Mẫu, Trịnh Đình Thảo, và Cao Văn Bổng.

Trong 5 vị Tổng trưởng, nếu Tổng Trưởng là người của Quốc Gia thì Thứ Trưởng là người của “Mặt Trận” và ngược lại.

Hội đồng Cố Vấn Chính Phủ gồm có: Luật Sư vc Nguyễn Hữu Thọ, Kiến Trúc Sư vc Huỳnh Tấn Phát, Thích Trí Quang, Lương Trọng Tường, Hồ Tấn Khoa, Linh Mục Chân Tín.

Hai mươi bốn giờ sau khi công bố thành phần Chính Phủ, Pháp sẽ vận động các nước Âu Châu, Á Châu, và các nước thuộc “Khối Không Liên Kết” công nhận tân chính phủ để chận bước tiến của CSBV… Ông Dương Văn Minh hứa sẽ làm được. 

Hồi ký của ĐS Mérillon viết tiếp đại ý: sau khi Chính phủ 3 thành phần thành hình thì những bước kế tiếp sẽ là bang giao với quốc tế để nhận sự ủng hộ và viện trợ cụ thể $690 triệu đô la và 200 triệu Quan Pháp. Đồng thời Trung Cộng sẽ ép Bắc Việt ngưng bắn để thảo luận. Trong hồi ký của ĐS Mérillon có thêm một điều không ai, nhất là người Việt Nam ở cả 2 miền, có thể tin được, là bà Nguyễn Thị Bình (Ngoại trưởng của MTGPMN) đã nói với ông Merillon là MTGPMN cũng đồng ý với giải pháp này để thoát ly khỏi quĩ đạo của Bắc Việt (sic).

Cách thứ hai: Sau khi thành lập Chính phủ 3 thành phần (có cả MTGP và lực lượng thứ 3) tất cả rút xuống Vùng 4 với Tướng Nguyễn Khoa Nam (Tư lệnh Vùng 4) tiếp tục chiến đấu (tuyên bố Saigon bỏ ngỏ) chống lại Bắc Việt. 

Khi đọc kế hoạch thành lập chính phủ 3 thành phần như ĐS Mérillon trình bày trong hồi ký của ông, tôi không nghĩ đa số người Việt có thể tin đó là “kế hoạch thực sự được sự đồng ý của Bắc Việt và MTGPMN (vốn dĩ là con đẻ của Bắc Việt)”. Nhưng vì thời điểm đó không có thông tin chi tiết như hồi ký của Đại sứ Pháp sau này công bố, cho nên không ít thành phần ở thượng tầng chính trị miền Nam tin đó là sự thật, kể cả Tướng Dương Văn Minh. Ông Trần Quốc Bửu, Chủ tịch Tổng công đoàn Việt nam, một nhân vật chính trị có uy tín, liên lạc mật thiết với tòa Đại sứ Hoa Kỳ, cũng như đủ quyền năng tiến cử đàn em vào chức Thủ tướng, và các chức vụ bộ trưởng, khác cũng tin tưởng kế hoạch Chính phủ liên hiệp ba thành phần. Ngay từ thứ Sáu, 25/4/75 (Bắc quân đã tiến tới Long Khánh chỉ cách Saigon có 80 Km), Ông Trần Quốc Bửu đã nói với một đàn em, cũng là bác sĩ riêng của ông, “Chắc phải liên hiệp. Em nên đi ra nước ngoài. Nếu chưa có đường đi thì nên liên lạc thường xuyên với gia đình anh, chừng nào anh đi thì đi cùng.”(5)

Đặc biệt là Tướng Minh hết sức tin tưởng ở kế hoạch lập chính phủ 3 thành phần để thương thuyết hòa bình, trong khi đối phương đang tiến như vũ bảo áp sát thành trì cuối cùng là Dinh Độc Lập. Chính vì tin tưởng mình là con cờ đang được quốc tế và đối phương (Bắc Việt) ủng hộ nên Tướng Minh nhất định không chịu nhận chức Thủ Tướng như Tổng Thống Trần Văn Hương đề nghị, mà ông nhất quyết đòi TT Hương nhường cho ông chức Tổng Thống để ông thương thuyết với Bắc Việt (6)

Chiều 27/4/1975, ĐS Mérillon được Tướng vc Trần Văn Trà nhắn tin nhờ cấp tốc thành lập Chính Phủ liên hiệp trung lập, đồng thời gửi gấm hai người thân tín là Nguyễn Thị Bình và Đinh Bá Thi vào chính phủ này. Trà còn cho biết hai sư đoàn của ông ta sẽ tiếp thu Saigon, phỗng tay trên quân Bắc Việt của Văn Tiến Dũng (hồi ký của ĐS Mérillon ‘7’). Đại đa số người Việt nam khi đọc tin này đều không ai tin được tự ý Tướng Trà dám phát biểu ý tưởng này, mà nghĩ ngay đây là Tướng Trà phát biểu theo lệnh của Bắc Việt. Chi tiết này cho thấy rõ Bắc Việt chủ động tung ra đòn lừa (hư chiêu) chính phủ 3 thành phần.

Trong khi đó, ĐS Mérillon vẫn không biết mình đang bị lừa. Sáng ngày 28/4, Mérillon chuyển kế hoạch này cho Tướng Dương Văn Minh và định tối hôm đó thì bắt đầu thực hiện kế hoạch sau khi Tướng Minh nhận bàn giao từ Tổng thống Hương.

Đồng thời ĐS Mérillon lại còn cho Tướng Pazzi xuống Cần Thơ chiều 28/4 gặp Tướng Nguyễn Khoa Nam. Khiến cho càng nhiều người tin là đang có kết hoạch thành lập chính phủ 3 thành phần thật. “Chiều 28/4, Tướng Pazzi của Pháp xuống cần Thơ gặp Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Đoàn IV và QK 4…Tướng Nam hai lần yêu cầu ông Minh cho ông đem quân về phản công, nhưng ông Minh dặn đi dặn lại đừng phản công mạnh để tìm giải pháp chính trị.” (Tác giả Bác sĩ Hoàng Như Tùng –Chỉ huy trưởng Quân y viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ.) Tác giả Hoàng Như Tùng viết tiếp “Ông (Tướng Nam) bình tĩnh trả lời: “Đừng lo, mình vừa đi họp với Phái Bộ Tòa Đại Sứ Pháp. Sẽ có giải pháp ngọai giao, miền Tây không mất đâu, còn đầy đủ quân số tác chiến.” (8)

Tòa Đại sứ Pháp còn chính thức tung tin về Chính phủ 3 Thành phần cho Bộ Tổng Tham Mưu VNCH và can thiệp trực tiếp vào hoạt động quân sự của Quân lực VNCH như tường thuật của Trương đình Huấn, K 19 Võ Bị Đà Lạt, sĩ quan trực của Trung Tâm Hành Quân Bộ Tổng Tham Mưu “Khỏang 10 giờ đêm (28/4), Đại Tá Công, Trưởng Phòng 2/Quân Đoàn III trình bày những tin tức đặc biệt thu thập được qua những liên lạc với Phòng Nhì (Deuxième Bureau) của Tòa Lãnh Sự Pháp. Toà Lãnh Sự Pháp đang đứng trung gian dàn xếp cuộc chiến giữa Chính Quyền Miền Nam và CS. Ông nói: ‘Phía cs đòi hỏi chúng ta phải hủy bỏ các cơ sở chiến tranh tại Biên Hòa thì họ sẽ ngưng pháo kích và đồng ý đi vào hội nghị để tránh đổ máu cho dân chúng khi họ tấn công vào Thủ đô’. Thời điểm ngưng pháo kích bắt đầu từ 12 giờ khuya đêm 28/4.” (9)

Thời gian Bắc Việt ngưng pháo kích này chính là thời gian 24 tiếng để Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam toàn bộ lực lượng Mỹ cùng với thành phần người Việt cần thiết. Thời gian này cũng đã được Pháp thỏa thuận với Bắc Việt. Theo hồi ký của ĐS Merillon, thời hạn Mỹ rút quân khỏi VN đã do ĐS Mérillon liên lạc với Phan Hiền, đại diện “Chính Phủ Miền Nam VN” của Huỳnh Tấn Phát ấn định. 

Chẳng những vậy, thời gian này cũng đã được Bắc Việt thỏa thuận với Hoa Kỳ. Hồi ký của ĐS Hoa Kỳ viết, “Khi đọc tấm điện văn của các Tướng Bắc Việt; họ nghĩ việc đưa mấy chiếc phi cơ sang Thái là chúng ta đã nuốt lời hứa với họ. Chúng ta đã nói chúng ta sẽ không mang các chiến cụ đi. Chúng ta chỉ muốn họ để chúng ta yên ổn ra đi trong trật tự. Vì họ nghĩ chúng ta nuốt lời, hôm sau họ pháo kích phi trường, làm thiệt mạng mấy Thủy quân Lục chiến của chúng ta.” (10)

  Tướng Dương Văn Minh nhậm chức Tổng thống chiều 28/4. TS Hưng viết “Chiều thứ Hai, 28/04, lễ tuyên thệ của TT Dương Văn Minh được cử hành trang trọng tại Dinh Độc Lập, trước mặt đầy đủ đại diện các định chế dân chủ.” (11) Ngay sau khi nhậm chức, TT Dương Văn Minh đã gửi ĐS Mỹ bức thư yêu cầu Mỹ rút toàn bộ lực lượng trong vòng 24 tiếng kể từ ngày 29/4 (phù hợp với thỏa thuận ngừng pháo kích của Bắc Việt). TS Nguyễn Tiến Hưng viết, “Sáng sớm ngày 29/4, một Sĩ quan trẻ tuổi phóng xe máy tới Tòa Đại Sứ Mỹ để trao bức thư. ĐS Martin liền trả lời ngay: “Tôi xin thông báo để Ngài hay là tôi đã ra chỉ thị như Ngài yêu cầu. Tôi tin rằng Ngài sẽ ra lệnh cho Quân Đội của Chính Phủ Ngài cộng tác bằng mọi cách để làm dễ dàng cho việc di chuyển các nhân viên DAO…”(12). Ngày đó, khi nghe lá thư của TT Minh “đuổi Mỹ” phát trên đài phát thanh, mọi người tưởng đó là ý riêng của TT Dương Văn Minh, nhưng khi hồi ký của ĐS Pháp được công bố, mọi người mới vỡ lẽ TT Dương Văn Minh chỉ là quân cờ thi hành thỏa thuận của Bắc Việt với Pháp và Mỹ. 

Trong bài diễn văn nhậm chức (chiều 28/4), ông Minh kêu gọi: “Cùng các anh em bên kia: tôi thực sự muốn hòa giải, các anh em cũng biết thế. Tôi yêu cầu mọi tầng lớp đồng bào hãy tôn trọng sinh mạng của nhau. Đó là tinh thần của Hiệp Định Paris…Chúng ta hãy ngồi vào bàn hội nghị để tìm những giải pháp hữu ích nhất cho Quốc Gia Dân Tộc. Để sớm chấm dứt những đau khổ của dân chúng và anh em binh sĩ, tôi đề nghị chúng ta ngưng ngay lập tức những cuộc tấn công lẫn nhau.”

8 giờ sáng ngày 29/4 (Hồi ký của Đại tá Dương Hiếu Nghĩa, Trưởng Khối Ngoại Vụ của Ủy Ban Liên Hiệp Bốn Bên viết lầm là 8 giờ sáng ngày 28/4, lúc đó Tướng Minh chưa nhận chức Tổng thống): Đại Tá Nguyễn Hồng Đài từ Tư Dinh của Đại Tướng Dương Văn Minh điện thoại cho tôi, nhờ đưa một phái đoàn đại diện của Tổng Thống đến gặp phái đoàn CSBV và VC (MTGPMN) ở trại Davis. Phái Đoàn gồm có Luật Sư Nguyễn Văn Huyền, Phó Tổng Thống, Luật Sư Vũ Văn Mẫu Thủ Tướng, và Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH. Khối Ngoại Vụ chúng tôi cho biết là CSBV và VC không tiếp Phái đoàn (13). Sau khi Đại tá Nghĩa năn nỉ, cuối cùng, Phái đoàn đại diện Tổng thống Minh được đồng ý cho vào trại Davis, gọi là để viếng thăm hai Phái đoàn CSBV và CP Lâm Thời Miền Nam (Nguyên văn lời Đại Tá Sĩ của MTGPMN trực tiếp nói với tôi qua điện thoại) (14). “Phái đoàn của Luật Sư Huyền vào trại Davis lúc 9 giờ ngày 30-4 năm 1975, và rời khỏi trại hồi 10 giờ hơn… Theo Trung Tá Trương Minh Đẩu, Chánh Văn Phòng của Tổng thống Minh, “thì sau khi Phái Đoàn của ông Nguyễn Văn Huyền về đến Dinh Hoa Lan, ông Minh họp Hội đồng Chính Phủ và cho biết là MTGPMN đã bác bỏ đề nghị của ông nhằm tìm một giải pháp chánh trị cho Miền Nam Việt Nam. Vì vậy ông đã quyết định là: chỉ còn một cách duy nhất là “đầu hàng vô điều kiện” mà thôi!”

Sau này, trên đài Á Châu Tự Do (RFA) tại Hoa Kỳ, phóng viên Nam Nguyên đã cho chạy lại Tuyên bố của Tổng thống Dương Văn Minh được phát đi trên Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia (Saigon) vào lúc 10 giờ sáng ngày 30/4/1975 như sau:

Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hoà giải giữa người VN để khỏi phí phạm xương máu người VN…vì lẽ đó tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ VNCH hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó.

Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam VN ngưng nổ súng, vì chúng tôi ở đây chờ gặp chính phủ CMLTCHMNVN để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự…tránh sự đổ máu vô ích cho đồng bào…”

“Sau khi Đài Phát Thanh Saigon lập lại nhiều lần lệnh buông súng của Tổng thống Dương Văn Minh, cũng như nhật lệnh tương tự của Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phụ Tá cho Trung Tướng Vĩnh Lộc, Tổng Tham Mưu Trưởng sau cùng của Quân lực VNCH. Quân đội đã thi hành lệnh giao nạp vũ khí cho những người chủ mới của đất nước “(15).

Như vậy Bắc Việt đã hoàn thành mưu kế của Tôn Tử “dùng mưu thắng địch” để giảm thương vong. Đòn lừa của Bắc Việt đã đánh lừa được giới thượng tầng chính trị của miền Nam. Nhiều nhân vật cấp cao đã gửi vợ con sang Mỹ trước, còn họ ở lại với hy vọng sẽ “có một ghế” khi giải pháp Chính phủ liên hiệp 3 thành phần thành hình. Vì vậy, vào phút chót, nhiều người trong số họ không kịp bỏ chạy, kẹt lại đi tù nhiều năm. Một số may mắn thoát được vào phút chót trong đường tơ kẽ tóc như hai Tướng Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng sau cùng do Tổng thống Minh chỉ định, và Tướng Trần Văn Trung, Phụ tá Tổng tham mưu trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị, đến Bến Bạch Đằng vào sáng 30/4 và dùng một LCM nhỏ của Giang Cảnh để tìm đường ra biển. Rất may, LCM này được Tuần Duyên Hạm Tây Sa HQ 615 cứu vớt vào tối 30/4 (16).

Trong đòn lừa cuối cùng này, thành phần dân chúng tự mệnh danh là “Thành Phần thứ 3” đã bị Bắc Việt loại bỏ ngay sau khi chiếm được Saigon mà không cần công bố. Vào giây phút chiến thắng của Bắc Việt, Thành phần thứ Ba biết rằng đã đến lúc họ phải tự âm thầm giải thể. Terziani, người phóng viên Đức duy nhất hiện diện và giúp đỡ trong buổi phát thanh đầu hàng của Tướng Minh, đã hỏi Thủ Tướng Mẫu, người được coi là đồng sáng lập Lực Lượng Thứ Ba, Lực Lượng cách đây một tuần được coi là điều kiện không thể loại trừ trong một Chính Phủ Liên Hiệp, “Còn những cơ hội tương lai nào sẽ trao cho Lực Lượng Thứ Ba với hiện tình chính trị đã thay đổi như hiện tại?” ông Mẫu đáp “Hiện nay không còn lực lượng thứ nhất, chúng tôi không còn cần lực lượng thứ ba,” (17)

Có một điều đau xót là do sự hỗn loạn trong giới lãnh đạo của chính quyền Miền Nam cho nên lệnh ngừng bắn của Tổng thống Dương Văn Minh không được thuộc cấp thi hành một cách thống nhất và đều khắp nên có một số đơn vị đã dũng cảm tiếp tục hăng say chiến đấu một cách vô vọng bảo vệ Saigon, khiến không ít thành viên lực lượng vũ trang hai bên đã đau đớn ngã xuống vĩnh viễn vào giờ thứ 25 của cuộc chiến.

Tham Khảo:  

-(1) Bạc Tóc Tuổi Hai Mươi (Phạm Mai Hương (Trích Tập San Đa Hiệu số 93, trang 263)

-(2); (4); (7) Hồi Ký của ĐS Pháp— Những Ngày Cuối Cùng của VNCH Vũ Hải Hồ dịch 

Đặng Kim Thu K19, Võ Bị Đà Lạt (Tập San Đa Hiệu 110, trang 223)

-(10) Đại sứ Martin nói về những ngày cuối tại Việt Nam” Trang 97, “Tears Before the Rain” (Nước Mắt Trước Cơn Mưa) của Larry Engelmann, Nguyễn Bá Trạc phỏng dịch) nguồn: (pham-v-thanh.blogspot.com)

-(3); (6); (11); (12) 30/04: Tổng Thống Minh và văn thư yêu cầu Mỹ rút khỏi VN

TS Nguyễn Tiến Hưng, BT Kế hoạch/CP Nguyễn Văn Thiệu 

Nguồn: 30/04: Tổng thống Minh và văn thư yêu cầu Mỹ rút khỏi Việt Nam – BBC News Tiếng Việt

-(5) Những ngày này năm ấy, Trang Châu, Bác Sĩ Nhẩy Dù VNCH. (Nguyên tác:) (Nguồn: Văn Việt https://vanviet.info/van/nhung-ngy-ny-nam-ay/)

-(8) Lễ An Táng Tướng Nguyễn Khoa Nam (1/5/1975)

Hoàng Như Tùng –CHT QYV Phan Thanh Giản, Cần Thơ. 

(https://hon-viet.co.uk/HoangNhuTung_TuongNhoTuongNguyenKhoaNam.htm)

-(9) Những Ngày Cuối Cùng của Cuộc Chiến tại Vùng 3 Chiến Thuật

Trương đình Huấn, K 19 Võ Bị Đà Lạt (Đa Hiệu số 42, trang 141)

-(13); (14) Hồi Ký của Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa 

 (Trưởng Khối Ngoại Vụ của Ủy Ban Liên Hiệp Bốn Bên VNCH) (https://tienglongta.com/2019/04/25/duong-hieu-nghia-hoi-ky-dang-do/)

-(15) Tuần lễ kết thúc chiến tranh ở Saigon, 30/4/1975 

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA © 2005 Radio Free Asia

-(16) Những Ngày Cuối Cùng của Hạm Đội Hải Quân VNCH

Nguyễn Đức Thu, K16 Võ Bị Đà Lạt (Tập San Đa Hiệu 118, trang 167)

-(17) Phóng sự của Börries Gallasch và Terzani tại Sài Gòn tháng Tư 1975 (Spielgel số 21/1975)

Phạm Cao Phong, trích dịch (BBC Tiếng Việt) (trg. 38-42) 

Nguyễn Tường Tâm