Hành trình thoát khỏi “địa ngục trần gian” của thiếu nữ 17 tuổi

0
1708
Vì nhẹ dạ cả tin, Hoàng Yến Lan (17 tuổi) đã bị các đối tượng xấu lừa bán sang Myanmar. Từ đây, chuỗi ngày tăm tối trong cuộc đời cô gái trẻ bắt đầu với những đau đớn, tủi nhục.

Theo Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Cao Bằng, chiều 30/6/2023, em Hoàng Yến Lan (tên nhân vật đã được thay đổi, 17 tuổi, ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng), đã đến đơn vị để tố cáo những kẻ đã bán mình sang Myanmar.

Đánh mất bản thân vì “việc nhẹ, lương cao”

Lan trình báo, cuối tháng 2/2023, qua mạng xã hội Facebook, Lan thấy một bài đăng tuyển nhân viên của Hoàng Văn Sơn (18 tuổi, ở huyện Bảo Lạc), là bạn học Trung Học Cơ Sở với Lan. Sau khi trao đổi, Lan đồng ý đi Bắc Giang (nơi Sơn giới thiệu để làm phục vụ quán hát karaoke).

Khi xuống đến nơi, Lan và 2 cô gái khác được chủ quán Nguyễn Thị Nguyệt Hòa (26 tuổi, quê Bắc Giang) dụ dỗ sang Myanmar làm việc nhẹ lương cao. Do nhẹ dạ, cả tin, nên cả ba cô gái trẻ đã đồng ý.

Sau một tuần di chuyển vất vả bằng nhiều phương tiện khác nhau, ngày 11/3/2023, 3 người đã bị các đối tượng đưa sang Myanmar. Từ đây chuỗi ngày sống tủi nhục của 3 cô gái trẻ bắt đầu.

Theo cảnh sát, vừa sang đến nơi, 3 cô gái đã bị các đối tượng ép buộc phải hành nghề mại dâm, mỗi ngày các em phải tiếp hàng chục lượt khách, nếu không làm sẽ bị đánh đập, dọa nạt, bỏ đói.

Quá sợ hãi, 3 người phải cắn răng chịu đựng. Làm được hơn một tháng, 3 cô gái trẻ bị tách ra, Lan và một người bạn khác là Lý Thị Vinh (tên nạn nhân đã được thay đổi, 16 tuổi, quê Hà Giang) được chuyển sang địa điểm khác để bán dâm, người còn lại bị chuyển đi tới nơi khác.

Một thời gian sau, thông qua các ứng dụng mạng xã hội, được sự hướng dẫn, giúp đỡ của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Cao Bằng, các cục nghiệp vụ Bộ Công an, các tổ chức phi chính phủ, Lan và Vinh đã được giải cứu thành công trở về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị.

Sau khi nhận được đơn tố giác của Lan, Công an tỉnh Cao Bằng nhận định đây là vụ án có dấu hiệu tội phạm mua bán người, do đó đã tham mưu xác lập Chuyên án mang bí số 623M để đấu tranh làm rõ.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 14/7/2023, Công an tỉnh Cao Bằng đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giữ hình sự đối với 4 bị can gồm: Nguyễn Thị Nguyệt Hòa (26 tuổi), Đồng Văn Mạnh (28 tuổi, cùng quê Bắc Giang), Hoàng Văn Sơn, và Nhàn Văn Dũng (cùng ở Cao Bằng).

Trước những bằng chứng không thể chối cãi, các đối tượng đã cúi đầu nhận tội. Từ đây, chi tiết của vụ án mới dần được hé lộ.

Chân dung những kẻ buôn người lộ diện

Theo Công an tỉnh Cao Bằng, tháng 8/2022, Hòa cùng chồng là Đồng Văn Mạnh thuê lại quán karaoke Lasvegas tại Bắc Giang để kinh doanh. Sau khi thuê quán được khoảng một tháng, Hòa không làm được thủ tục đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy nên quán đã bị tạm dừng hoạt động.

Mặc dù không còn kinh doanh quán Karaoke, nhưng Hòa vẫn tuyển nhân viên nữ để đi phục vụ các quán hát tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Hoàng Văn Sơn và Nhàn Văn Dũng là người làm thuê cho Hòa, có trách nhiệm đưa đón nhân viên nữ đến phục vụ các quán hát karaoke.

Khoảng tháng 2/2023, qua mạng xã hội Facebook, Hòa quen biết một người phụ nữ có tên gọi là “Meo” (không rõ địa chỉ, lai lịch), quá trình nói chuyện “Meo” nói với Hòa là cần tìm phụ nữ trẻ tuổi đưa sang cho “Meo” để làm nhân viên phục vụ quán hát tại Myanmar, lương tháng 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng/một người/một tháng.

Ngoài ra, nếu Hòa tìm được người đưa sang cho “Meo” thì sẽ được nhận tiền hoa hồng là 5% số tiền thu nhập của nạn nhân đó.

Sau đó, Hòa chỉ đạo Sơn, Dũng đăng bài tuyển nhân viên nữ về cho Hòa để đưa ra nước ngoài làm, Hòa thỏa thuận trả tiền công cho Sơn và Dũng với số tiền là 15 triệu đồng/người. Sau khi tuyển được người, Hòa chỉ đạo Dũng, Sơn đưa người ra Nghệ An và Quảng Trị để chuyển giao nạn nhân cho người khác.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã đưa được 4 người sang Myanmar, ngoài nhóm người của Lan, còn có thêm một cô gái khoảng 18 tuổi nhưng chưa xác định được nhân thân.

Sau khi đưa được người thứ 4 sang Myanmar, Hòa gọi điện thoại đòi tiền “Meo” nhưng không được, sau khi sự việc bị bại lộ, đối tượng “Meo” tắt máy, chặn luôn số điện thoại của Hòa.

Trong quá trình điều tra, bị can Hòa thường xuyên khai báo quanh co, chối tội, thay đổi lời khai. Hòa phủ nhận việc bàn bạc, thỏa thuận đưa phụ nữ Việt Nam sang Myanmar cho người tên “Meo” để hưởng lợi tiền, mà chỉ nhận giới thiệu cho các bị hại đi làm để kiếm tiền trả nợ cho Hòa.

Hòa cũng phủ nhận việc thỏa thuận và chỉ đạo Sơn, Dũng đưa một số nạn nhân đến Quảng Trị để đi tiếp sang Myanmar, mà do các nạn nhân tự liên hệ tìm chỗ làm và nhờ Sơn, Dũng đưa đi. Tuy nhiên, bằng các tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra nhận định việc thay đổi lời khai của Hòa là không có căn cứ.

Đánh giá về vụ án này, Thượng tá Ma Vĩnh Long, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Cao Bằng nhận định, để giải cứu được các nạn nhân, lực lượng chức năng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, thường xuyên phải đi xe máy, đi bộ qua các đường đèo từ Myanmar về Việt Nam.

Ngoài ra, quá trình giải cứu nạn nhân phải mất hơn 10 ngày, đi qua khu vực Tam Giác Vàng – khu vực rất nguy hiểm, có các đối tượng rất manh động, liều lĩnh.

Nguồn Dantri