Hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có hơn 1.000 công ty ‘ma’ được bị cáo Trương Mỹ Lan thành lập để đứng tên các khoản vay khống, chuyển nhượng cổ phần, lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án.
Ngày 5.3, Tòa Án Nhân Dân Sài Gòn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác vì gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) khoảng 498.000 tỉ đồng.
Trong 86 bị cáo bị xét xử, có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước, 7 bị cáo thuộc công ty thẩm định giá, bị Viện Kiểm Sát Nhân Dân tối cao truy tố về các tội: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng…
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố với 3 tội danh: tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có hơn 1.000 công ty “ma” được bị cáo Trương Mỹ Lan thành lập để đứng tên các khoản vay khống, chuyển nhượng cổ phần, lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án.
Theo cáo trạng, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) có trụ sở tại số 193 – 203 Trần Hưng Đạo, Phường Cô Giang, Quận 1.
Quá trình hoạt động Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thành lập, xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp (hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát), trong đó Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.
Xây dựng mạng lưới ở nước ngoài để quản lý tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan
Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã thuê, nhờ hàng trăm cá nhân đứng tên đại diện pháp luật các công ty, được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Cụ thể, nhóm định chế tài chính tại Việt Nam gồm: SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty Cổ Phần đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú, trong đó SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái Tập đoàn VTP.
Nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn… đều là công ty có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên, như Công ty Cổ Phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula vốn điều lệ 18.000 tỉ đồng, Công ty Cổ Phần Tập đoàn Đầu tư An Đông vốn điều lệ 9.000 tỉ đồng… Nhóm các công ty được gọi công ty “ma” tại Việt Nam được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công…
Nhóm mạng lưới công ty tại nước ngoài được Trương Mỹ Lan xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc, tại các vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế” phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa “nhà đầu tư nước ngoài” để đứng tên cổ phần và quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan tại nước ngoài.
Cáo trạng thể hiện, về mặt pháp lý, SCB và các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát hạch toán tài chính kế toán, kê khai báo cáo thuế độc lập, nhưng về bản chất các pháp nhân này được Trương Mỹ Lan thành lập mới hoặc mua lại cổ phần, vốn góp của các công ty khác, chỉ định người thân quen hoặc thuê, nhờ các cá nhân khác đứng tên hộ. Do vậy, các pháp nhân đều thuộc sở hữu và chịu sự điều hành của Trương Mỹ Lan.
Trong thời gian từ ngày 1.1.2012 đến ngày 17.10.2022, bị cáo Trương Mỹ Lan đã trực tiếp chỉ đạo, điều hành các cá nhân là cán bộ, nhân viên chủ chốt tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện nhiều hành vi sai phạm để thao túng SCB, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và tham ô tài sản.
Trả mức lương cao từ 200 đến 500 triệu đồng tùy vị trí tại SCB
Cáo trạng xác định, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm cổ phần SCB, để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của hệ thống công ty trên cũng như việc liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, Trương Mỹ Lan tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của SCB trong đó có hoạt động cho vay.
Do đó, từ trước thời điểm hợp nhất, bị cáo Trương Mỹ Lan đã sở hữu phần lớn cổ phần của 3 ngân hàng. Sau khi hợp nhất, Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần của SCB, đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên cổ phần SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên 91,545% vào ngày 1.1.2018.
Tính đến tháng 10.2022, Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối 1,4 triệu cổ phần SCB, chiếm 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân (trong và ngoài nước), cá nhân đứng tên giúp; trong đó Trương Mỹ Lan trực tiếp đứng tên sở hữu gần 76 triệu cổ phần, chiếm 4,982% vốn điều lệ.
Chưa hết, bị cáo Trương Mỹ Lan còn tuyển chọn, bố trí nhân sự để nắm quyền chi phối, chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của SCB. Bị cáo đã tuyển chọn, đưa các cá nhân thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại SCB như Hội Đồng Quản Trị, Ban tổng giám đốc, giám đốc các chi nhánh lớn, Trưởng ban kiểm soát, trả mức lương cao từ 200 đến 500 triệu đồng/tháng; tặng, thưởng tiền, cổ phần SCB, để thông qua các cá nhân này điều hành toàn bộ hoạt động của SCB.
Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần, chi phối, điều hành hoạt động ngân hàng thông qua các đối tượng chủ chốt, Trương Mỹ Lan đã sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân.
Để rút được tiền từ SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đã điều hành, chỉ đạo các cá nhân thân tín, giữ vai trò chủ chốt tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để chỉ đạo các đối tượng tại SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tổ chức thành lập nhiều bộ phận, đơn vị, công ty, thuê và sử dụng hàng nghìn cá nhân, câu kết chặt chẽ với nhau, thông đồng với các công ty thẩm định giá, triển khai rút tiền từ SCB.
Đây là vụ án được xác định có thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay với tổng thiệt hại của SCB khoảng 498.000 tỉ đồng.
Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng chi một số tiền khá lớn cho quan chức để che giấu sai phạm tại SCB. Cụ thể, cáo trạng thể hiện bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II – Cục II thuộc Ngân hàng Nhà nước) được xác định đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD.
16 quan chức khác tại Ngân hàng Nhà nước cũng được xác định nhận của bà Lan từ 100 triệu đồng đến gần 10 tỉ đồng.
Hôm nay 6.3, phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục làm việc.
Nguồn thanhnien