KIỀU MỸ DUYÊN
Bốn đại học xá ở Sài Gòn lớn mà ai cũng biết, đó là đại học xá nữ Trần Quý Cáp, đại học xá nam Minh Mạng, đại học xá này của chính phủ, đại học xá Thanh Quan và Phục Hưng của giáo hội Công Giáo, Thanh Quan thì do các dì phước trông coi, Phục Hưng cho linh mục Tiên chăm sóc nam sinh viên.
Một hôm đẹp trời, dược sĩ Tô Ngọc Lan gọi tôi:
– Chị Kiều Mỹ Duyên ơi, chúng mình lớn hết rồi, nên tổ chức họp mặt nữ sinh viên đại học xá Trần Quý Cáp. Số bằng hữu ở đại học xá ra đi cũng nhiều, số người còn lại lớn tuổi và ở rải rác khắp nơi, mình nên họp mặt.
Tôi nói ngay:
– Mình nên họp mặt đại học xá ở Sài Gòn một lúc, vì chỉ đại học xá Trần Quý Cáp không đông đâu.
Tô Ngọc Lan:
– Được rồi, chị đứng ra tổ chức đi.
– Tìm một cựu sinh viên nào đó có thì giờ tổ chức, chị sẽ yểm trợ tích cực.
Tôi còn nhớ Tô Ngọc Lan rất xinh đẹp. Chúng tôi, sinh viên các đại học xá đi làm từ thiện ở hải đảo Binh Ba, sinh viên y khoa khám bệnh cho thuốc, chúng tôi phát quà cho người nghèo ở hải đảo này. Lúc đó, sinh viên Phạm Ngọc Giao, một trong những sinh viên y khoa khám bệnh cho đồng bào ở hải đảo này, nữ sinh viên dược khoa Tô Ngọc Lan phát thuốc theo toa của sinh viên y khoa đang thực tập ở bệnh viện sắp ra trường, chỉ một chuyến đi mà thành vợ chồng. Lẽ dĩ nhiên sau này ra trường bác sĩ Phạm Ngọc Giao cưới dược sĩ Tô Ngọc Lan, đúng là duyên số trời định. Cùng đi trong nhóm này có một số anh chị em đã thành duyên vợ chồng và sống cho đến ngày ra người thiên cổ. Bây giờ, bác sĩ quân y Phạm Ngọc Giao đã là người thiên cổ, các con của anh Giao và Ngọc Lan đã trở thành bác sĩ ở đất Mỹ.
Chúng tôi ở đại học xá Trần Quý Cáp, lúc đó bà Hòa làm giám thị, bà khó hơn dì phước. Ngày xưa, ở nội trú dòng Sao Mai, ở đường Trần Hoàng Quân, Chợ Lớn, chúng tôi mới biết không ai khó bằng các dì phước, nhưng sau đó học xong trung học, lên đại học, ở đại học xá Trần Quý Cáp, mới thấy không ai khó bằng bà Hòa, giám thị của đại học xá Trần Quý Cáp, luật lệ hơn Hướng Đạo, hơn gia đình Phật tử, hơn thiếu nhi thánh thể, khó ơi là khó. Có lẽ bà giám thị muốn sinh viên phải học giỏi, bà huấn luyện chúng tôi theo phong tục tập quán cổ truyền, người nam đến thăm người nữ không được ngồi gần, các ghế phải cách xa, văn phòng của bà giám thị ở kế phòng tiếp khách. Có những chiếc ghế đá ngoài vườn, nam nữ không được ngồi ở ghế đá, phải ngồi trong phòng khách. Những chiếc ghế đá dưới tàng cây, không được hái trái cây, những chùm trái cây được bao bọc, được nhìn không được hái.
Sinh viên từ khắp nơi các tỉnh về đại học xá trú ngụ như nữ sinh viên Trí ở Quảng Trị học dược. Trí cao, trắng, rất đẹp. Sau này, tôi làm phóng viên chiến trường mới biết gió Hạ Lào nóng như lửa, mỗi lần gió thổi vào mặt như con dao cắt vào mặt mình. Vậy mà không hiểu sao sinh viên dược khoa Trí trắng bóc như đầm? Sinh viên dược khoa Mai đến từ Nha Trang. Nhiều sinh viên đến từ khắp nơi như Huế, Đà Lạt, Kontum, Ban Mê Thuột, Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long, Tây Ninh, v.v. Sinh viên muốn ở các đại học xá của chính phủ phải học thật giỏi xuất sắc, nếu không phải là hạng ưu, bình thì không được chọn.
Ngày xưa, có những sinh viên vừa giỏi vừa đẹp. Tài hoa như Tô Ngọc Lan, đánh đàn dương cầm xuất sắc. Người nào đã học dương cầm bao giờ cũng học nhiều thứ đàn khác nhau hay là thổi sáo. Có lẽ Tô Ngọc Lan nhờ tiếng đàn dương cầm mà đi vào trái tim của sinh viên y khoa Phạm Ngọc Giao. Đa số người nào là bác sĩ ở Việt Nam định cư ở Mỹ học lại cũng là bác sĩ. Bác sĩ Phạm Ngọc Giao đã hành nghề bác sĩ ở Houston, Texas và được bằng hữu, đồng bào thương.
Chúng tôi đến Houston nhiều lần, ra mắt sách Chinh Chiến Điêu Linh, và được nhiều đồng hương tham dự như Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai, nhiều truyền thông tham dự như Hoàng Minh Thúy, chủ báo Xây Dựng, bằng hữu học trung học Trưng Vương, cựu sinh viên văn khoa, luật khoa. Vì không thông báo nên tôi ít được gặp bằng hữu ở đại học xá Trần Quý Cáp và trong những chuyến đi D.C, New York, tham dự diễn hành văn hóa quốc tế hàng năm. Vì ghé Houston một thời gian rất ngắn, ghé đài TV của vợ chồng Hoàng Bách phỏng vấn cấp bách, ghé Hoàng Minh Thúy, chủ báo Xây Dựng, rồi lên đường, không có cơ hội gặp nhiều bạn cũ, nhất là các bạn ở đại học xá Trần Quý Cáp mà tôi có nhiều kỷ niệm đẹp ở đây.
Trong một tuần lễ mà tôi có nhiều bạn ở khắp nơi gọi điện thoại hối thúc họp mặt bằng hữu đại học xá Trần Quý Cáp. Người nào tuổi tác cũng lớn, nếu chậm quá thì không còn thì giờ nữa. Hiền ở miền Bắc California gọi và nói:
– Chúng mình nên tổ chức họp mặt nếu không người nào cũng lớn tuổi, sợ không còn cơ hội nữa chị ạ.
Chồng của Hiền là bác sĩ Nam, khi chúng tôi ra mắt Hoa Cỏ Bên Đường ở San Jose, buổi chiều hôm đó Không Quân Lê Văn Hải đãi cơm tối ở nhà hàng của một thân hữu, cũng là kỷ niệm sinh nhật của anh chị em trong Văn Thơ Lạc Việt cứ 3 tháng tổ chức một lần, không ai đóng một đồng nào. Mừng sinh nhật bằng hữu, vợ chồng con cái đến miễn phí còn được bánh sinh nhật, được quà đem về. Không phải sinh nhật của tôi nhưng tôi cũng được quà là chai rượu nho với chữ Hoa Cỏ Bên Đường trên chai rượu này.
Hôm đó Hiền không đến, chỉ có bác sĩ Nam đến mà thôi. Bác sĩ Nam người to lớn, nói chuyện cũng lớn tiếng, đúng là đàn ông nhà binh. Không ngờ sau khi tôi trở về miền Nam California thì nghe bác sĩ Nam qua đời, ngủ rồi đi luôn, Hiền cho biết. Vì thế Hiền cũng như nhiều cựu sinh viên đại học xá Trần Quý Cáp muốn gặp nhau.
Đại học xá Minh Mạng
Ý kiến của Ngọc Lan, của Hiền về họp mặt sinh viên đại học xá Trần Quý Cáp, tôi đọc trên TV, radio. Tôi kêu gọi sinh viên của 4 đại học xá đồng tổ chức cuộc họp này. Sinh viên đại học xá Minh Mạng, Phục Hưng, Thanh Quan thì có một số bạn hồi đáp nhưng ai cũng bảo Kiều Mỹ Duyên tổ chức đi vì có chương trình trên các đài truyền hình, radio và có bài đăng trên báo thì tổ chức dễ dàng hơn. Tôi trả lời:
– Các bạn nào hưu trí thì tổ chức dễ dàng hơn. Tôi lúc nào cũng tối tăm mặt mày, nhiều khi đến 3- 4 giờ chiều mới ăn sáng nên không tổ chức được.
Hiện nay, ở miền Nam, Bắc California, Houston, Boston, New York, Floria, Seattle, Arizona, v.v., cũng có một số các bạn đã ở 4 đại học xá nói trên. Hy vọng sẽ có một vài bằng hữu đứng ra làm việc này rồi mời bằng hữu sẽ đóng góp ý kiến, thì giờ, tiền bạc cho cuộc họp mặt thành công. Quan trọng nhất là họp mặt, gặp gỡ nhau. Gần 50 năm rồi, 4 đại học xá này đâu có tổ chức họp mặt, dù một lần. Họp mặt có nhiều ý nghĩa, bằng hữu nên xem ai còn ai mất, liên lạc về Việt Nam nếu bằng hữu ở Việt Nam cần giúp đỡ thì người ở hải ngoại giúp người bất hạnh trong nước, nếu bằng hữu trong nước đã từng ở các đại học xá qua đời thì mình giúp cho con cháu của bằng hữu của mình.
Các bạn ơi, mong các bạn bỏ một chút thì giờ ngồi lại với nhau nhé. Mong được điện thoại của các bạn.
Nếu các bạn đọc được bài này hay nghe radio, xem TV về tin tức của buổi họp mặt các sinh viên của 4 đại học xá Trần Quý Cáp, Minh Mạng, Phục Hưng và Nam Quan, hãy liên lạc với Kiều Mỹ Duyên 714-260-5884/ 714-636-2299 hay email kieumyduyen1@yahoo.com.
Orange County, 9/2024
KIỀU MỸ DUYÊN
(kieumyduyen1@yahoo.com)